Bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân trong PCCC
Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân trong PCCC bao gồm những gì? Quy định về bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân
Theo quy định tại Mục 5 của Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định 79/2014/NĐ-CP thì trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân bao gồm:
– Trang phục chữa cháy: Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng, khẩu trang chữa cháy; ủng và găng tay cách điện; quần áo cách nhiệt; quần áo chống hóa chất; quần áo chống phóng xạ.
– Mặt nạ phòng độc lọc độc, mặt nạ phòng độc cách ly, khẩu trang lọc độc, máy san nạp khí cho mặt nạ phòng độc.
Bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân
Mục 3 Thông tư 52/2014/TT-BCA quy định việc bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân bao gồm bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên và bảo quản, bảo dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy.
Bảo quản, bảo dưỡng thường xuyên
Làm sạch trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân:
– Trang phục, thiết bị bảo hộ cá nhân phải được làm sạch bên trong, bên ngoài và phải được phơi khô để tránh ẩm mốc; sắp xếp gọn gàng đúng nơi quy định;
– Mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc, khẩu trang lọc độc phải được lau chùi sạch sẽ; kiểm tra lượng khí trong bình và kiểm tra độ kín của van, mặt trùm và phải được nạp đầy khí trước khi đưa vào bảo quản.
Bảo quản, bảo dưỡng:
– Ủng và găng tay cách điện, quần áo cách nhiệt, quần áo chống hóa chất, quần áo chống phóng xạ phải dùng khăn mềm, nhúng vào nước ấm lau khô và để đúng nơi quy định. Riêng quần áo cách nhiệt không được gấp mà phải treo để tránh nhàu nát;
– Máy san nạp khí cho mặt nạ phòng độc phải được lau chùi thường xuyên, cụ thể: Lau toàn bộ thân máy, bầu lọc khí, chân đế, giá đỡ, ống nạp khí, bầu xả khí thải, bầu lọc khí động cơ, thùng đựng xăng; điều chỉnh tốc độ động cơ, dây khởi động động cơ, đồng hồ áp suất;
– Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng, ủng và găng tay cách điện, quần áo cách nhiệt, khẩu trang lọc độc, bộ phận cao su của mặt trùm phải được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp. Khi sắp xếp để bảo quản loại nào nặng hơn thì để ở dưới và nhẹ dần ở trên. Giữa mỗi loại trang phục, thiết bị chèn một lớp giấy mềm, mỏng và băng phiến để tránh gián, mối;
– Đối với động cơ của máy san nạp khí cho mặt nạ phòng độc, trước khi khởi động phải mở công tắc điện khởi động cho máy nổ; nếu khởi động 3 lần mà máy chưa nổ thì phải kiểm tra lại, không khởi động liên tục, kéo dài. Trường hợp máy có tiếng nổ khác thường thì phải kiểm tra nguyên nhân và sửa chữa ngay.
Bảo quản, bảo dưỡng sau khi chữa cháy, thực tập chữa cháy
– Quần, áo, mũ, ủng, găng tay, thắt lưng, khẩu trang chữa cháy phải được làm sạch bên trong, bên ngoài; được phơi khô và bảo quản ở nơi thoáng, mát.
– Ủng và găng tay cách điện, quần áo cách nhiệt sau khi sử dụng phải dùng khăn mềm nhúng vào nước ấm lau khô. Riêng quần áo cách nhiệt không được gấp mà phải treo để tránh nhàu nát.
– Mặt nạ phòng độc cách ly, mặt nạ lọc độc phải được làm sạch sau khi sử dụng. Phải dùng nước ấm rửa sạch và súc sạch dưới vòi nước chảy, dùng khăn mềm lau khô và phải được phơi hoặc sấy khô; tháo các bình khí đem đi nạp đầy; kiểm tra giá đỡ lưng, dây đeo, van, khóa, các khớp nối, van nhu cầu thở và mặt trùm trước khi đưa vào bảo quản.
Trên đây là nội dung bài viết Bảo quản, bảo dưỡng trang phục và thiết bị bảo hộ cá nhân. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất.
Xem thêm:
Phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật mới nhất
Phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật mới nhất được tính theo công thức nào? Thời hạn nộp phí bảo hiểm [...]
Hợp đồng vay tiền theo quy định của pháp luật hiện hành
Hợp đồng vay tiền được pháp luật quy định như thế nào? Những lưu ý khi giao kết hợp đồng vay tiền theo quy định pháp [...]