Không đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử lý thế nào?
Việc không đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử lý thế nào? Khi chó, mèo gây ra thiệt hại phải bồi thường ra sao? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Không đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử lý thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP (đã được sửa đổi bởi Khoản 3 Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP) quy định phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
- Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
Như vậy, chủ nuôi chó không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 01 triệu đồng đến 02 triệu đồng.
Lưu ý: Đây là mức phạt áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm tương tự bị phạt gấp 02 lần so với cá nhân.
Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do chó, mèo gây ra
Theo quy định tại Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 thì chủ sở hữu chó, mèo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do chó, mèo gây ra, cụ thể như sau:
- Chủ sở hữu chó, mèo phải bồi thường thiệt hại do chó, mèo gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng chó, mèo phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng chó, mèo, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
- Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho chó, mèo gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp chó, mèo bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng chó, mèo có lỗi trong việc để chó, mèo bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
- Trường hợp chó, mèo thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu chó, mèo đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội.
Quy định đối xử nhân đạo đối với chó, mèo trong chăn nuôi, vận chuyển
Đối xử nhân đạo với chó, mèo trong chăn nuôi, vận chuyển được quy định như sau:
Đối xử nhân đạo với chó, mèo trong chăn nuôi
Theo Điều 69 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Có chuồng trại, không gian chăn nuôi chó, mèo phù hợp;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh;
- Phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y;
- Không đánh đập, hành hạ chó, mèo.
Đối xử nhân đạo với chó, mèo trong vận chuyển
Theo Điều 70 Luật Chăn nuôi 2018 quy định tổ chức, cá nhân vận chuyển chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây:
- Sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển chó, mèo phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho chó, mèo;
- Cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho chó, mèo;
- Không đánh đập, hành hạ chó, mèo.
Có cấm nuôi chó mèo tại chung cư không?
Theo khoản 3 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, một trong các hành vi bị nghiêm cấm khi sống ở chung cư là chăn, thả gia súc, gia cầm trong nhà chung cư.
Trong khi đó, khoản 6, khoản 7 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 định nghĩa gia súc như sau:
“6. Gia súc là các loài động vật có vú, có 04 chân được con người thuần hóa và chăn nuôi.7. Gia cầm là các loài động vật có 02 chân, có lông vũ, thuộc nhóm động vật có cánh được con người thuần hóa và chăn nuôi.”
Đồng thời, theo Phụ lục II kèm Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT, chó mèo được xếp vào loại động vật khác, không thuộc danh mục gia súc, gia cầm.
Đây cũng là nội dung được Bộ Xây dựng khẳng định trong Công văn số 176/BXD-QLN. Do đó, việc nuôi chó mèo trong nhà chung cư không thuộc trường hợp bị cấm. Tuy nhiên, cũng tại Công văn này, Bộ Xây dựng cũng khẳng định rằng, dù quy định của Luật không cấm nuôi chó mèo trong chung cư nhưng người sinh sống trong chung cư phải tuân thủ theo các quy định được nêu tại nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư để đảm bảo việc sử dụng chung cư an toàn, văn minh.
Thực tế cho thấy, có những chung cư nghiêm ngặt việc nuôi chó, mèo, do lo ngại mất vệ sinh chung hoặc gây tiếng ồn, ảnh hưởng tới an toàn của những người sống tại chung cư nhưng cũng có chung cư có quy định “cởi mở” hơn, tạo điều kiện cho những người yêu thích chó, mèo sống cùng thú cưng của mình.
>>Xem thêm: Quyền sở hữu đối với gia súc, gia cầm bị thất lạc
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi: Không đeo rọ mõm khi đưa chó ra nơi công cộng bị xử lý thế nào?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Một số quy định về chữ ký điện tử mới nhất
Chữ ký điện tử là gì? Chữ ký điện tử có giá trị pháp lý như chữ ký thực không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]
Thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam
Hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam bao gồm các giấy tờ nào? Thủ tục giải quyết hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt [...]