Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Thế nào là truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy ? Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy bị xử lý hình sự như thế nào ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thế nào là truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy ?
– Căn cứ theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 178/2004 thì “Đồi trụy” là sự thể hiện bằng hành động, bằng hình ảnh, bằng âm thanh lối sống ăn chơi, tiêu khiền thấp hèn, xấu xa, hư hỏng đến mức tồi tệ về đạo đức, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Như vậy văn hóa phẩm đồi trụy là những sách báo, phim, tranh, ảnh, nhạc có nội dung cổ xúy lối sống ăn chơi, thấp hèn, hư hỏng gây ảnh hưởng xấu đến đạo đức và trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.
– Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo khoản 1 Điều 326 Bộ luật hình sự 2015 là việc làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy.
Nghị định số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 quy định khiêu dâm “là hành vi dùng hình ảnh, ngôn ngữ, âm thanh, hành động khêu gợi, kích thích dâm ô, ham muốn tình dục trái với truyền thống đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam bao gồm: Mô tả bộ phận sinh dục, khỏa thân, mô tả khỏa thân hoặc không khỏa thân nhưng kích thích tình dục, mô tả nhu cầu tình dục, thủ dâm dưới mọi hình thức”.
Dấu hiệu cấu thành tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có những yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản sau:
Chủ thể
Người từ đủ 16 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự
Khách thể
– Xâm phạm vào nền văn hóa xã hội chủ nghĩa, xâm phạm vào trật tự công cộng.
– Sự nguy hiểm của nó thể hiện ở sự xâm hại vào thuần phong mỹ tục của dân tộc, làm suy đồi về mặt đạo đức ảnh hưởng đến sự lành mạnh của nền văn hoá xã hội chủ nghĩa.
Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý với mục đích nhằm phổ biến các loại văn hóa phẩm đồi trụy.
Mặt khách quan
Thể hiện ở những hành vi làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy.
+ Làm ra văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi tạo ra các loại văn hoá phẩm đồi trụy như vẽ tranh, chụp ảnh, dựng phim,…
+ Sao chụp văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi chụp lại, viết lại, vẽ lại,…hoặc ghi băng lại những văn hoá phẩm đồi trụy.
+ Lưu hành văn hoá phẩm đồi trụy là hành vi đưa ra xem, phổ biến, cho thuê, cho mượn,…văn hoá phẩm đồi trụy.
* Chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong những điều kiện sau:
+ Dữ liệu được số hoá có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB).
+ Sách in, báo in có số lượng từ 50 đơn vị đến 100 đơn vị;
+ Ảnh bản giấy có số lượng từ 100 ảnh đến 200 ảnh.
+ Phổ biến cho 10 người đến 20 người;
+ Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy bị xử lý hình sự như thế nào ?
Tại điều 326 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về ” Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy ” như sau:
Khung 1
1. Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB);
b) Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị;
d) Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người;
đ) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
Khung 2
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 05 gigabyte (GB) đến dưới 10 gigabyte (GB);
c) Ảnh có số lượng từ 200 ảnh đến dưới 500 ảnh;
d) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 100 đơn vị đến dưới 200 đơn vị;
đ) Phổ biến cho từ 21 người đến 100 người;
e) Phổ biến cho người dưới 18 tuổi;
g) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử để phạm tội;
h) Tái phạm nguy hiểm.
Khung 3
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Dữ liệu được số hóa có dung lượng 10 gigabyte (GB) trở lên;
b) Ảnh có số lượng 500 ảnh trở lên;
c) Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng 200 đơn vị trở lên;
d) Phổ biến cho 101 người trở lên.”.
Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
>> Xem thêm: Xử phạt hành chính đối với hành vi truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy
Trên đây là quy định của luật hình sự về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy LawKey gửi đến bạn đọc. Hãy liên hệ với LawKey để được cung cấp Dịch vụ luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ các vụ án hình sự.

Tội vu khống là gì? Hình phạt của tội vu khống theo quy định mới nhất
Trong thời đại hiện nay, tình trạng loan truyền tin sai lệch gây tổn hại danh dự, nhân phẩm cho một ai đó ngày càng nhiều. [...]

Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Tội giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi được quy định như thế nào theo Bộ luật hình sự 2015? Hãy [...]