Ai là báo cáo viên pháp luật?
Theo quy định thì báo cáo viên pháp luật là ai? Tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Ai là báo cáo viên pháp luật?
Tại khoản 1 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định: Báo cáo viên pháp luật là cán bộ, công chức, viên chức và sỹ quan trong lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận để kiêm nhiệm thực hiện hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật.
Tiêu chuẩn của báo cáo viên pháp luật
Theo khoản 2 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 quy định báo cáo viên pháp luật phải có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Có phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, có uy tín trong công tác;
- Có khả năng truyền đạt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học luật và thời gian công tác trong lĩnh vực pháp luật ít nhất là 02 năm; trường hợp không có bằng tốt nghiệp đại học luật, nhưng có bằng tốt nghiệp đại học khác thì phải có thời gian công tác liên quan đến pháp luật ít nhất là 03 năm.
Thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật
Theo các khoản 3 và 4 Điều 35 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, thẩm quyền quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật được quy định như sau:
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp tỉnh;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận cấp huyện.
Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật có quyền miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật. Cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp báo cáo viên pháp luật tổ chức rà soát, đề nghị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật.
Quyền và nghĩa vụ của báo cáo viên pháp luật
♣ Báo cáo viên pháp luật có các quyền sau đây:
- Được cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, thông tin, tài liệu pháp luật phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Được hưởng thù lao và chế độ theo quy định của pháp luật.
♣ Báo cáo viên pháp luật có các nghĩa vụ sau đây:
- Thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật theo sự phân công; truyền đạt chính xác nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật;
- Không được tiết lộ bí mật nhà nước và thực hiện các hành vi bị cấm khác;
- Hằng năm, báo cáo về hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật do mình thực hiện với cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
(Điều 36 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012)
Phạm vi hoạt động của báo cáo viên pháp luật
- Báo cáo viên pháp luật của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức thành viên của Mặt trận (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật Trung ương) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên phạm vi toàn quốc.
- Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật tỉnh) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.
- Báo cáo viên pháp luật của cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức thành viên của Mặt trận quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là báo cáo viên pháp luật huyện) thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương nơi công nhận báo cáo viên pháp luật.
(Các khoản 1, 2 và 3 Điều 2 Thông tư 10/2016/TT-BTP)
>>Xem thêm: Thế nào là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài?
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Hút thuốc lá tại nơi bị cấm thì phạt bao nhiêu?
Các địa điểm cấm hút thuốc lá được quy định gồm những nơi nào? Hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định [...]
Thủ tục thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch
Hộ tịch là những sự kiện như: khai sinh, kết hôn, nhận cha mẹ, con, thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc, [...]