Biện pháp bảo vệ người tố cáo theo Luật tố cáo 2018
Biện pháp bảo vệ người tố cáo theo Luật tố cáo 2018? Thủ tục bảo vệ người tố cáo được thực hiện thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Biện pháp bảo vệ người tố cáo theo Luật tố cáo 2018
Biện pháp bảo vệ người tố cáo bao gồm 03 biện pháp, cụ thể như sau:
Biện pháp bảo vệ thông tin người tố cáo
Căn cứ quy định tại Điều 56 Luật tố cáo 2018 quy định về biện pháp bảo vệ bí mật thông tin như sau:
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khi tiếp nhận, chuyển đơn tố cáo, giải quyết tố cáo căn cứ vào tình hình cụ thể quyết định áp dụng biện pháp sau đây:
- Giữ bí mật họ tên, địa chỉ, bút tích và các thông tin cá nhân khác của người tố cáo trong quá trình khai thác, sử dụng thông tin, tài liệu do người tố cáo cung cấp;
- Lược bỏ họ tên, địa chỉ, bút tích, các thông tin cá nhân khác của người tố cáo ra khỏi đơn tố cáo và các tài liệu, chứng cứ kèm theo để quản lý theo chế độ mật khi giao cơ quan, tổ chức, cá nhân xác minh nội dung tố cáo;
- Bố trí thời gian, địa điểm, lựa chọn phương thức làm việc phù hợp để bảo vệ bí mật thông tin cho người tố cáo khi làm việc trực tiếp với người bị tố cáo, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Áp dụng biện pháp khác theo quy định của pháp luật;
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan áp dụng biện pháp cần thiết để giữ bí mật thông tin của người tố cáo.
Như vậy, trong bảo vệ thông tin người tố cáo, thực hiện 05 biện pháp nêu trên.
Biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm người tố cáo
Theo quy định tại Điều 57 Luật tố cáo 2018, biện pháp bảo vệ vị trí công tác, việc làm người tố cáo được thực hiện như sau:
♠ Người được bảo vệ là cán bộ, công chức, viên chức:
- Tạm đình chỉ, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý kỷ luật hoặc quyết định khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ;
- Khôi phục vị trí công tác, vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;
- Xem xét bố trí công tác khác cho người được bảo vệ nếu có sự đồng ý của họ để tránh bị trù dập, phân biệt đối xử;
- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người có hành vi trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được bảo vệ.
♠ Người được bảo vệ là người làm việc theo hợp đồng lao động:
- Yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt hành vi vi phạm; khôi phục vị trí việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm cho người được bảo vệ;
- Xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm người tố cáo
Căn cứ quy định tại Điều 58 Luật tố cáo 2018 quy định biện pháp bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm như sau:
1. Đưa người được bảo vệ đến nơi an toàn.
2. Bố trí lực lượng, phương tiện, công cụ để trực tiếp bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm cho người được bảo vệ tại nơi cần thiết.
3. Áp dụng biện pháp cần thiết để ngăn chặn, xử lý hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
4. Yêu cầu người có hành vi xâm hại hoặc đe dọa xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người được bảo vệ chấm dứt hành vi vi phạm.
5. Biện pháp khác theo quy định của pháp luật.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ người tố cáo
Theo quy định tại Điều 49 Luật tố cáo 2018 quy định về cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ bao gồm:
- Người giải quyết tố cáo. Trường hợp không thuộc thẩm quyền thì yêu cầu hoặc đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ.
- Cơ quan tiếp nhận, xác minh nội dung tố cáo.
- Cơ quan Công an chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan.
- Cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, lao động.
- Ủy ban nhân dân các cấp, Công đoàn các cấp, cơ quan, tổ chức khác có liên quan.
Thủ tục bảo vệ người tố cáo
Theo quy định tại Điều 50, Điều 51, Điều 52 Luật tố cáo 2018 quy định như sau:
Bước 1: Đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ
Khi có căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Luật tố cáo 2018 thì người tố cáo có văn bản đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ.
Văn bản đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ phải có các nội dung chính sau đây:
1. Ngày, tháng, năm đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
2. Họ tên, địa chỉ của người tố cáo; họ tên, địa chỉ của người cần được bảo vệ;
3. Lý do và nội dung đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ;
4. Chữ ký hoặc điểm chỉ của người tố cáo.
Lưu ý: Trường hợp khẩn cấp, người tố cáo có thể trực tiếp đến đề nghị hoặc thông qua điện thoại đề nghị người giải quyết tố cáo áp dụng biện pháp bảo vệ ngay nhưng sau đó nội dung đề nghị phải được thể hiện bằng văn bản.
Bước 2: Xem xét, quyết định bảo vệ người tố cáo
Khi nhận được đề nghị áp dụng biện pháp bảo vệ và xét thấy đề nghị bảo vệ là có căn cứ, có tính xác thực hoặc trong quá trình giải quyết tố cáo, người giải quyết tố cáo thấy có căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 47 của Luật này thì người giải quyết tố cáo kịp thời quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ theo thẩm quyền hoặc đề nghị, yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ cần thiết.
Khi nhận được yêu cầu hoặc đề nghị của người giải quyết tố cáo, cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp bảo vệ.
Lưu ý: Trường hợp đề nghị của người tố cáo không có căn cứ hoặc xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho người tố cáo hoặc gửi thông báo cho người giải quyết tố cáo để giải thích rõ lý do cho người tố cáo.
Bước 3: Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ
♠ Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bảo vệ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Nội dụng quyết định bao gồm:
1. Ngày, tháng, năm ra quyết định;
2. Căn cứ ra quyết định;
3. Họ tên, địa chỉ của người được bảo vệ;
4. Nội dung, biện pháp bảo vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện biện pháp bảo vệ;
5. Thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ.
♠ Quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ được gửi cho người được bảo vệ, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
♠ Sau khi có quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện biện pháp bảo vệ phải tổ chức thực hiện ngay việc bảo vệ; trường hợp cần thiết, phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện việc bảo vệ.
♠ Thời gian bảo vệ được tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện biện pháp bảo vệ cho đến khi việc áp dụng biện pháp bảo vệ được chấm dứt theo quy định tại Khoản 2 Điều 54 của Luật tố cáo 2018.
>>Xem thêm: Có được tố cáo nặc danh không? Tố cáo nặc danh có được xử lý không?
Trên đây là nội dung bài viết: Biện pháp bảo vệ người tố cáo theo Luật tố cáo 2018. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey để được tư vấn.

Các quy định pháp luật hiện hành về phá dỡ nhà ở
Phá dỡ nhà ở theo quy định pháp luật được thực hiện trong các trường hợp nào? Những vấn đề cần lưu ý về phá dỡ [...]

Chứng thực chữ ký theo quy định mới nhất tại Thông tư 01/2020/TT-BTP
Thông tư 01/2020/TT-BTP được ban hành ngày 03 tháng 3 năm 2020 và có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 4 năm 2020. Chứng thực chữ [...]