Bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật lao động 2012
Trong quá trình làm việc, người lao động có thể phải bồi thường thiệt hại nếu làm hư hỏng hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động. Dưới đây là trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật lao động 2012.
Mức bồi thường thiệt hại
Người gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại trong lao động được quy định cụ thể tại Điều 130 Bộ luật lao động 2012 và được hướng dẫn tại Điều 32 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
Bồi thường nhiều nhất là 03 tháng lương
Người lao động phải bồi thường nhiều nhất là 03 tháng tiền lương ghi trong hợp đồng lao động của tháng trước liền kề trước khi gây thiệt hại bằng hình thức khấu trừ hằng tháng vào lương do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố.
Tiền lương làm căn cứ khấu trừ tiền lương của người lao động để bồi thường thiệt hại do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị là tiền lương thực tế người lao động nhận được hằng tháng sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và nộp thuế thu nhập cá nhân (nếu có) theo quy định.
Bồi thường một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường
Khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì người lao động phải bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo thời giá thị trường
– Do sơ suất làm hư hỏng dụng cụ thiết bị với giá trị thiệt hại thực tế từ 10 tháng lương tối thiểu vùng trở lên áp dụng tại nơi người lao động làm việc do Chính phủ công bố;
– Làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao;
– Tiêu hao vật tư quá định mức cho phép của người sử dụng lao động.
Không phải bồi thường thiệt hại
Trường hợp thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh, thảm họa hoặc do sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù người sử dụng lao động đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép thì người lao động không phải bồi thường.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra
Bồi thường thiệt hại trong một số trường hợp cụ thể
Trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại
Việc xem xét, quyết định mức bồi thường thiệt hại phải căn cứ vào lỗi, mức độ thiệt hại thực tế và hoàn cảnh thực tế gia đình, nhân thân và tài sản của người lao động.
Trình tự, thủ tục bồi thường thiệt hại được áp dụng theo trình tự, thủ tục và thời hiệu xử lý kỷ luật lao động. Cụ thể như sau:
Bước 1: Xác nhận hành vi vi phạm
Khi phát hiện người lao động làm hư hỏng, mất dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động, tại thời điểm xảy ra hành vi vi phạm, người sử dụng lao động tiến hành lập biên bản vi phạm, thông báo đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật trong trường hợp người lao động là người dưới 18 tuổi để tiến hành họp yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Bước 2: Thông báo cuộc họp
– Cuộc họp yêu cầu bồi thường thiệt hại chỉ được thực hiện khi người sử dụng lao động phát hiện hành vi vi phạm sau thời điểm hành vi phạm đã xảy ra, có đủ căn cứ chứng minh được lỗi của người lao động và trong thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại.
– Người sử dụng lao động thông báo nội dung, thời gian, địa điểm cuộc họp đến tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở; người lao động; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật.
– Người sử dụng lao động phải đảm bảo các thành phần này nhận được thông báo trước khi diễn ra cuộc họp và tiến hành cuộc họp khi có sự tham gia của các thành phần thông báo.
Bước 3: Thành viên xác nhận tham dự cuộc họp
– Khi nhận được thông báo của người sử dụng lao động, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo, thành phần tham dự cuộc họp phải xác nhận tham dự cuộc họp. Trường hợp không tham dự phải thông báo cho người sử dụng lao động và nêu rõ lý do.
Trường hợp một trong các thành phần tham dự cuộc họp xử lý kỷ luật không xác nhận tham dự cuộc họp, hoặc nêu lý do không chính đáng, hoặc đã xác nhận tham dự nhưng không đến họp thì người sử dụng lao động vẫn tiến hành cuộc họp.
Bước 4: Tiến hành cuộc họp
Cuộc họp yêu cầu bồi thường thiệt hại phải được lập thành biên bản và được thông qua các thành viên tham dự trước khi kết thúc cuộc họp. Biên bản phải có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham dự cuộc họp. Trường hợp một trong các thành viên đã tham dự cuộc họp mà không ký vào biên bản thì phải ghi rõ lý do.
Bước 5: Quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người có thẩm quyền ra quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với người lao động.
Quyết định yêu cầu bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hạn của thời hiệu xử lý hoặc thời hạn kéo dài thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại. Quyết định yeu cầu bồi thường thiệt hại phải được gửi đến người lao động, cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật của người dưới 18 tuổi và tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Xem thêm: Trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật
Thời hiệu xử lý kỷ luật lao động theo quy định mới nhất
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về Bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật lao động 2012″ gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.

Quy định về thời gian làm thêm giờ từ ngày 01/01/2021
Bộ luật lao động năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021, Quy định những nội dung mới về thời gian làm thêm giờ [...]

Khám, chữa bệnh khi đang cấp, đổi lại thẻ BHYT có được hưởng BHYT?
Trong thời gian cấp, đổi lại thẻ BHYT, người tham gia bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh có được hưởng quyền lợi bảo [...]