Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?
Những ngày gần đây trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại sự việc một người chồng có hành vi đánh đập người vợ đang bế con nhỏ trên tay. Rõ ràng đây là hành động không thể chấp nhận được từ một người đàn ông, nó đi ngược lại với đạo đức xã hội cũng như quy định của pháp luật.
Theo các thông tin trên các trang báo điện tử người chồng trong clip hiện là một võ sư. Sau khi bị chồng đánh đập, người vợ trẻ hiện đã được gia đình nhà ngoại đón về để chăm sóc đồng thời làm đơn tố cáo người chồng. Được biết, khi bị tố cáo lên cơ quan có thẩm quyền người chồng đã có những hành vi nhắn tin đe dọa đến gia định nạn nhân.
Trong nội dung bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu pháp luật quy định như thế nào về hành vi bạo lực gia đình. Và pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi người như thế nào trong vấn đề bạo hành gia đình.
Thế nào là hành vi bao lực gia đình?
Quan hệ hôn nhân là quan hệ tự nguyện, bình đẳng giữa vợ và chồng. Cả vợ và chồng phải cùng nhau chăm lo cho gia đình, xây dựng một gia đình ấm no hạnh phúc. Những hành vi bạo lực gia đình là không được phép xuất hiện.
Khoản 1, điều 2 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định như sau:
“Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình
1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
…”
Như vậy, hành vi mà võ sư đánh đập, chửi bới vợ mình như trong clip được chia sẻ trên mạng xã hội là hành vi bạo lực gia đình. Và trong Điểm h Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 cũng quy định rõ, Cấm: h) Bạo lực gia đình;
Người vợ hay người bị bạo hành được pháp luật bảo vệ như thế nào?
Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình như sau:
“1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”
Như vậy, trong trường hợp này người vợ có thể sử dụng các quyền để bảo vệ mình theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật phòng chống bạo lực gia đình.
Hành vi bạo lực gia đình bị xử lý như thế nào?
Xử lý hành chính hành vi bạo lực gia đình:
Điều 49, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình:
“Điều 49. Hành vi xâm hại sức khoẻ thành viên gia đình
1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình
2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình;
b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nận nhân điều trị chấn trhương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nận nhân từ chối;”
Như vậy, đối với hành vi bạo lực gia đình thì có thể bị xử phạt hành chính lên tới tối đa là 2.000.000 đồng tùy vào từng trường hợp cụ thể.
Xử lý hình sự hành vi bạo lực gia đình
Có 2 tội danh mà người thực hiện hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy tố đó là:
Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình:
Cụ thể, Điều 185 Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định như sau:
“ Điều 185. Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình
1. Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Thường xuyên làm cho nạn nhân bị đau đớn về thể xác, tinh thần;
b) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu;
b) Đối với người khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng hoặc người mắc bệnh hiểm nghèo.”
Hoặc có thể bị truy tố tội cố y gây thương tích theo Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (Sửa đổi bổ sung năm 2017):
“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người;
b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm;
c) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
d) Phạm tội 02 lần trở lên;
….”
Trên đây là bài viết phân tích về hành vi bạo lực gia đình của luật sư LawKey. Bài viết nhằm cung cấp kiến thức pháp lý cho cộng đồng xã hội. Bài viết không có ý nhằm vào ai, và không có giá trị làm căn cứ để chứng minh bất cứ vụ việc nào.
Dưới góc độ của luật sư, chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất cứ hành vi bạo lực gia đình!
Quy định chung về quyết định thi hành án phạt tù hiện nay
Quyết định thi hành án phạt tù được lập bao gồm các nội dung chính theo quy định về gửi đến cá nhân, cơ quan liên quan. [...]
Tổng hợp các tội phạm về môi trường theo Bộ luật Hình sự
Có những loại tội phạm nào về môi trường theo Bộ luật Hình sự 2015? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]