Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì sẽ bị xử lý như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tài sản do người khác phạm tội mà có là gì?
Theo khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC quy định về khái niệm tài sản do người khác phạm tội mà có như sau:
Tài sản do người khác phạm tội mà có là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).
Trong đó, tài sản bao gồm: vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản; bất động sản, động sản, hoa lợi, lợi tức, vật chính, vật phụ, vật chia được, vật không chia được, vật tiêu hao, vật không tiêu hao, vật cùng loại, vật đặc định, vật đồng bộ và quyền tài sản.
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có bị xử lý thế nào?
Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội được quy định như sau:
Cấu thành tội phạm
♠ Về mặt chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
♠ Về mặt khách thể
Hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, đồng thời gián tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
♠ Về mặt khách quan
* Hành vi khách quan:
+ Căn cứ để xác định người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có không dựa vào giá trị tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ.
Vì nếu người có được tài sản đó nhưng không phải là do người khác phạm tội mà có, hoặc có hành vi của người có tài sản đó thiếu một trong các yếu tố cấu thành tội phạm thì chưa gọi là tài sản do phạm tội mà có.
+ Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội được chia thành hai hành vi sau đây:
- Hành vi chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng cầm, giữ, che giấu tài sản do người khác phạm tội mà có
- Hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có: Là việc một cá nhân biết rõ đây là tài sản có được từ việc phạm tội nhưng vẫn mua để sử dụng hoặc vào mục đích mua bán khác để tiêu thụ tài sản này cho người phạm tội.
Do đó, tùy vào hành vi phạm tội mà người bị truy cứu trách nhiệm hình sự có thể chịu các tội danh khác nhau trong Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017)
* Hành vi phạm tội phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
- Không có sự hứa hẹn trước với người giao tài sản là sẽ chứa chấp hoặc sẽ tiêu thụ tài sản của người đó;
- Khi nhận tài sản hoặc tiêu thụ tài sản thì mới biết rõ là do người giao tài sản phạm tội mà có được tài sản đó.
* Hậu quả của hành vi phạm tội: xâm hại đến quyền sở hữu tài sản của người bị hại, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.
♠ Về mặt chủ quan
- Yếu tố lỗi: Là lỗi cố ý trực tiếp, tức là người phạm tội biết rõ tài sản mà họ chứa chấp, tiêu thụ là tài sản do người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội mà có.
- Mục đích không phải yếu tố bắt buộc khi xác định có phạm tội này hay không.
Các khung hình phạt
Người phạm tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), cụ thể như sau:
♠ Khung 1:
Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
♠ Khung 2:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
Có tổ chức;
Có tính chất chuyên nghiệp;
Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
Thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
Tái phạm nguy hiểm.
♠ Khung 3:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm:
- Tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng.
♠ Khung 4:
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
- Tài sản, vật phạm pháp trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 300.000.000 đồng trở lên.
♠ Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Mức phạt hành chính của hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
Trường hợp hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có nhưng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì người có hành vi mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
(Theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Bên cạnh đó, nếu người có hành vi vi phạm trên là người nước ngoài thì sẽ bị trục xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam (Điểm b khoản 3 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
Ngoài ra, người có hành vi vi phạm còn phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ tài sản đó. (Điểm a khoản 4 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP)
>>Xem thêm: Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm
Trên đây là bài viết về: Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư bào chữa của chúng tôi.
Trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Bộ luật hình sự 2015 lần đầu tiên đưa pháp nhân thương mại trở thành một chủ thể của tội phạm. Vì vậy, vấn đề [...]
Tội cố ý gây thương tích theo quy định của Bộ luật Hình sự
Khi xảy ra ẩu đả, xô xát việc gây thương tích cho đối phương là điều rất dễ xảy ra. Vậy Bộ luật Hình sự hiện hành [...]