Tội không chấp hành án là gì ?
Thế nào là tội không chấp hành án ? Tội không chấp hành án bị xử lý hình sự như thế nào ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thế nào là tội không chấp hành án ?
Tội không chấp hành án theo Điều 380 Bộ luật hình sự 2015 là người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Dấu hiệu pháp lý
Tội không chấp hành án có những yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản như sau:
Chủ thể
– Chủ thể của tội phạm này tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng cũng chỉ có những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
– Những người có nghĩa vụ trong việc chấp hành bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật là những người mà theo quy định của pháp luật họ phải có nghĩa vụ chấp hành như: bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, đương sự trong các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, các vụ án kinh tế, hành chính, lao động.
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể
Xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và của người được thi hành án.
Đối tượng tác động của tội phạm này lại chính là các bản án và quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
– Bản án của Toà án là một văn bản tố tụng do Thẩm phán, Hội thẩm nhân danh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành nhằm ghi nhận kết quả xét xử của Hội đồng xét xử.
– Quyết định của Tòa án cũng là một văn bản tố tụng có thể Hội đồng xét xử ban hành nhưng cũng có thể chỉ do một Thẩm phán ban hành như: quyết định hòa giải thành, quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, quyết định kê biên tài sản, quyết định thi hành án phạt tù, quyết định bắt buộc chữa bệnh…
Mặt chủ quan
– Người phạm tội thực hiện hành vi với lỗi cố ý, có thể là lỗi cố ý trực tiếp hoặc lỗi cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức được hậu quả cũng như hành vi của mình thực hiện là trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó hoặc dù không mong muốn hậu quả xảy ra nhưng có ý thức bỏ mặc cho hậu quả xảy ra.
– Động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, dù người phạm tội với động cơ nào đi nữa thì hành vi không chấp hành án vẫn cấu thành tội phạm. Đối với tội phạm này, người phạm tội chủ yếu là vì động cơ cá nhân.
Mặt khách quan
– Hành vi thuộc mặt khách quan của tội phạm là hành vi có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Hành vi không chấp hành án có thể thực hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động.
– Không hành động là không làm một việc mà có nghĩa vụ phải làm và có thể làm được. Người phạm tội không chấp hành án là không thi hành quyết định của bản án và các quyết định khác của Toà án mà họ có nghĩa vụ phải thi hành như: không nộp tiền bồi thường cho Cơ quan thi hành án để bồi thường cho người bị hại theo bản án đã tuyên, không giao nộp tài sản mà bản án quyết định tuyên tịch thu nộp vài Ngân sách Nhà nước; không góp phí tổn nuôi con chung sau khi ly hôn; không chịu cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng theo quyết định của bản án,…
– Đi kèm với không hành động, người phạm tội có thể thực hiện hành vi không chấp hành án dưới dạng hành động như: bỏ trốn, tránh mặt lúc lực lượng thi hành lệnh cưỡng chế, khoá cửa không cho lực lượng thi hành án đến thi hành, thậm chí có hành vi chống đối, lăng mạ, hành hung cán bộ thi hành án; tẩu tán tài sản đã bị kê biên,…
Hậu quả của tội phạm là khiến cho bản án hoặc quyết định của tòa chưa thể hoặc không thể thực hiện được. Hậu quả không phải dấu hiệu bắt buộc cấu thành tội phạm. Tội phạm hoàn thành hành vi khách quan xảy ra.
Tuy nhiên người thực hiện hành vi thuộc mặt khách quan chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp người thực hiện hành vi đó đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Về hình phạt
Tại điều 380 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội không chấp hành án như sau:
1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
>>Xem thêm: Không thi hành án có bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Trên đây là bài viết về Tội không chấp hành án LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:
Điện thoại: (024) 665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey
Quy định của pháp luật về nội quy phiên tòa
Nội quy phiên tòa gồm những gì? Quy định của pháp luật về nội quy phiên tòa? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới [...]
Tội cản trở giao thông theo Bộ luật Hình sự
Theo Bộ luật Hình sự thì phạm tội cản trở giao thông thì mức phạt cao nhất hiện nay là bao nhiêu năm tù? Hãy cùng LawKey [...]