Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế
Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế được quy định như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết này của Luật LawKey nhé.
Trách nhiệm hoàn thuế của cơ quan quản lý thuế
Khoản 1 Điều 41 Nghị định 83/2013/NĐ-CP quy định cơ quan quản lý thuế thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau. Trừ các trường hợp thuộc diện kiểm tra trước khi hoàn thuế, bao gồm:
– Hoàn thuế theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
– Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế lần đầu, trừ trường hợp đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân.
– Người nộp thuế đề nghị hoàn thuế trong thời hạn 02 năm, kể từ thời điểm bị xử lý về hành vi trốn thuế, gian lận về thuế.
– Hàng hóa, dịch vụ trong bộ hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế không thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng, trừ hồ sơ hoàn thuế GTGT.
– Doanh nghiệp sáp nhập, hợp nhất, chia tách, giải thể, phá sản, chuyển đổi hình thức sở hữu, chấm dứt hoạt động; giao, bán, khoán, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
– Hết thời hạn theo thông báo bằng văn bản của cơ quan quản lý thuế nhưng người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế. Hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng.
– Người nộp thuế còn nợ chứng từ thanh toán qua ngân hàng tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cơ quan hải quan hoàn thuế.
– Hàng hóa nhập khẩu theo giấy phép. Hàng hóa nhập khẩu phải đảm bảo các quy định quản lý nhà nước về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra chất lượng hàng hóa.
– Hàng hóa nhập khẩu thuộc diện phải kiểm tra trước, hoàn thuế sau theo quy định của Bộ Tài chính.
Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế
Thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế được quy định như sau:
Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước
Chậm nhất là 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Cơ quan quản lý thuế quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế. Hoặc thông báo chuyển hồ sơ của người nộp thuế sang kiểm tra trước hoàn thuế nếu thuộc trường hợp kiểm tra trước hoàn thuế. Hoặc thông báo không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
Trường hợp thông tin khai trên hồ sơ hoàn thuế khác với thông tin quản lý của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thuế thông báo bằng văn bản để người nộp thuế giải trình, bổ sung thông tin.
Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế
Chậm nhất là 40 ngày kể từ ngày cơ quan quản lý thuế có thông báo bằng văn bản về việc chấp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế.
Cơ quan quản lý thuế quyết định hoàn thuế cho người nộp thuế hoặc không hoàn thuế cho người nộp thuế nếu hồ sơ không đủ điều kiện hoàn thuế.
Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế đối với hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau
Thời hạn kiểm tra sau hoàn thuế được quy định như sau:
Kiểm tra sau hoàn thuế trong thời hạn 01 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế
Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế. Quy định này áp dụng đối với các trường hợp sau:
– Cơ sở kinh doanh kê khai lỗ hai năm liên tục liền kề trước năm có quyết định hoàn thuế. Hoặc có số lỗ vượt quá vốn chủ sở hữu tính đến năm liền kề trước năm có quyết định hoàn thuế.
– Cơ sở kinh doanh được hoàn thuế từ hoạt động kinh doanh bất động sản; kinh doanh thương mại, dịch vụ. Trường hợp kinh doanh ngành nghề tổng hợp không tách riêng được số thuế được hoàn thì áp dụng kiểm tra sau hoàn trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
– Cơ sở kinh doanh thay đổi trụ sở từ hai lần trở lên trong vòng 12 tháng kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
– Cơ sở kinh doanh có sự thay đổi bất thường giữa doanh thu tính thuế và số thuế được hoàn trong giai đoạn 12 tháng, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế trở về trước.
Kiểm tra sau hoàn thuế trong thời hạn 10 năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế
Đối với các trường hợp khác, việc kiểm tra sau hoàn thuế được thực hiện trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định hoàn thuế.
Trên đây là nội dung bài viết Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế. Nếu có vướng mắc trong quá trình giải quyết hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn nhanh nhất.
Xem thêm:
Khi nào bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử?
Tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể lựa chọn sử dụng hóa đơn giấy hoặc hóa đơn điện tử theo quy định của pháp luật. [...]
Đối tượng chịu thuế GTGT và thu nhập chịu thuế TNDN đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp thuế tại Việt Nam
Đối tượng chịu thuế GTGT và thu nhập chịu thuế TNDN đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài nộp thuế tại Việt Nam được [...]