Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Quy định của pháp luật hiện nay về Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa như thế nào? Người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng thì được chủ thể nào bồi thường?
Một số khái niệm chung
Một số khái niệm chung được quy định tại Điều 3 Luật chất lượng hàng hóa 2007, cụ thể:
Sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng.
Hàng hóa là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị.
Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là mức độ của các đặc tính của sản phẩm, hàng hóa đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Người sản xuất là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc sản xuất
Người nhập khẩu là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc nhập khẩu
Người xuất khẩu là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc xuất khẩu
Người bán hàng là tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh là tổ chức, cá nhân tổ chức và thực hiện việc bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
Thứ nhất, thiệt hại do vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời.
Thứ hai, thiệt hại được bồi thường là thiệt hại thuộc trường hợp các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng, trừ trường hợp các bên tranh chấp có thỏa thuận khác.
Các thiệt hại phải bồi thường do hàng hóa không bảo đảm chất lượng
Điều 60 Luật Luật chất lượng hàng hóa 2007 quy định các thiệt hại sau phải bồi thường:
1. Thiệt hại về giá trị hàng hóa, tài sản bị hư hỏng hoặc bị huỷ hoại.
2. Thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ con người.
3. Thiệt hại về lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác hàng hóa, tài sản.
4. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại.
Các trường hợp không phải bồi thường thiệt hại
Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường trong các trường hợp sau đây:
– Người bán hàng bán hàng hóa đã hết hạn sử dụng; người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;
– Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;
– Đã thông báo thu hồi hàng hóa có khuyết tật đến người bán hàng, người sử dụng trước thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
– Sản phẩm, hàng hóa có khuyết tật do tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của sản phẩm tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
– Thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng;
– Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.
Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng trong các trường hợp sau đây:
– Người tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã hết hạn sử dụng;
– Đã hết thời hiệu khiếu nại, khởi kiện;
– Đã thông báo hàng hóa có khuyết tật đến người mua, người tiêu dùng nhưng người mua, người tiêu dùng vẫn mua, sử dụng hàng hóa đó;
– Hàng hóa có khuyết tật do người sản xuất, người nhập khẩu tuân thủ quy định bắt buộc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Trình độ khoa học, công nghệ của thế giới chưa đủ để phát hiện khả năng gây mất an toàn của hàng hóa tính đến thời điểm hàng hóa gây thiệt hại;
– Thiệt hại phát sinh do lỗi của người mua, người tiêu dùng.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Điều 61 Luật chất lượng hàng hóa 2007 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
– Người sản xuất, người nhập khẩu phải bồi thường thiệt hại cho người bán hàng hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của người sản xuất, người nhập khẩu không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ các trường hợp Người sản xuất, người nhập khẩu không phải bồi thường đã nêu. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
– Người bán hàng phải bồi thường thiệt hại cho người mua, người tiêu dùng trong trường hợp thiệt hại phát sinh do lỗi của người bán hàng không bảo đảm chất lượng hàng hóa, trừ các trường hợp Người bán hàng không phải bồi thường cho người mua, người tiêu dùng. Việc bồi thường thiệt hại được thực hiện theo thoả thuận giữa các bên có liên quan hoặc theo quyết định của toà án hoặc trọng tài.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của tổ chức đánh giá sự phù hợp khi cung cấp kết quả sai
Tổ chức đánh giá sự phù hợp là tổ chức tiến hành hoạt động thử nghiệm, giám định, kiểm định, chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.
Tổ chức đánh giá sự phù hợp cung cấp kết quả sai thì phải bồi thường thiệt hại phát sinh cho tổ chức, cá nhân yêu cầu đánh giá sự phù hợp theo quy định của pháp luật về dân sự.
Tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa được đánh giá sự phù hợp có nghĩa vụ chứng minh kết quả sai và lỗi của tổ chức đánh giá sự phù hợp.
Trên đây là nội dung Bồi thường thiệt hại về chất lượng sản phẩm, hàng hóa Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Xem thêm: Bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực lao động
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015
Các căn cứ mất quốc tịch Việt Nam theo quy định hiện nay
Có nhiều nguyên nhân để một người mất quốc tịch Việt Nam. Luật quốc tịch Việt Nam 2008 đưa ra các căn cứ mất quốc [...]
Giấy khai sinh là gì ? Đi đăng ký khai sinh ở đâu theo quy định pháp luật
Giấy khai sinh là gì ? Đi đăng ký khai sinh ở đâu ? Nội dung đăng ký khai sinh như thế nào theo quy định mới nhất của pháp [...]