Cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu xuất cảnh cần thực hiện thủ tục gì?
Xuất cảnh ra nước ngoài không còn là thủ tục đặc biệt với người dân. Vậy thủ tục xuất cảnh đối với cán bộ, công chức, viên chức có khác gì công dân khác? Dưới đây là quy định pháp luật về thủ tục trên.
Thẩm quyền giải quyết
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Trình tự thực hiện
Bước 1.Cán bộ, công chức, viên chức có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài vì việc công hoặc việc riêng cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ theo quy định.
Bước 2. Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp của tỉnh.
Công chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính pháp lý và nội dung hồ sơ:
+ Trường hợp đầy đủ hồ sơ thì công chức tiếp nhận viết giấy hẹn giao cho người nộp.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì công chức tiếp nhận hồ sơ; hướng dẫn để người nộp hồ sơ làm lại theo đúng quy định.
Bước 3. Sở Ngoại vụ tiến hành xem xét và ra Quyết định cho phép cán bộ, công chức đi nước ngoài. Đối với các đối tượng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký quyết định; thì Sở Ngoại vụ sẽ chuẩn bị đầy đủ thủ tục hồ sơ để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ký.
Bước 4. Nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh. Công chức kiểm tra giấy hẹn và giao kết quả cho người nộp.
Hồ sơ cần chuẩn bị
– Bản chính công văn đề nghị của Thủ trưởng đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên xin xuất cảnh.
– Bản chính công văn đồng ý của các cơ quan chủ quản cấp trên trực tiếp (thủ tục này chỉ có trong những trường hợp xuất cảnh thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh hoặc Giám đốc Sở Ngoại vụ), cụ thể như sau:
+ Đơn vị sự nghiệp do UBND tỉnh trực tiếp quản lý: nếu đơn vị đề nghị là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc của tổ chức này.
+ Sở hoặc cơ quan hành chính cấp tỉnh: nếu đơn vị đề nghị là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc hoặc doanh nghiệp nhà nước được UBND tỉnh ủy quyền cho Sở hoặc cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trực tiếp về tổ chức và nhân sự.
+ UBND huyện nếu đơn vị đề nghị là các cơ quan hành chính; đơn vị sự nghiệp; doanh nghiệp nhà nước thuộc huyện.
– Bản chính đơn xin xuất cảnh của cá nhân (đối với trường hợp xuất cảnh vì việc riêng).
– Bản sao thư mời hoặc các văn bản khác có liên quan đến mục đích xuất cảnh (nếu các văn bản trên viết bằng ngôn ngữ nước ngoài, phải kèm theo bản dịch ra tiếng Việt do các đơn vị có chức năng dịch thuật xác nhận theo quy định).
– Ý kiến đồng ý bằng văn bản của cấp ủy quản lý trực tiếp nếu đối tượng xin xuất cảnh là Đảng viên Đảng cộng sản Việt nam, cụ thể như sau:
Của Thường trực tỉnh ủy đối với các đối tượng sau đây:
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
+ Chánh, Phó Chánh Văn phòng: Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Tỉnh ủy và UBND tỉnh; Trưởng, Phó các Ban thuộc Tỉnh ủy; Giám đốc, Phó Giám đốc các Sở; Trưởng, Phó cơ quan hành chính cấp tỉnh, Trưởng, Phó đơn vị sự nghiệp do UBND tỉnh trực tiếp quản lý; Trưởng, Phó các Ban HĐND tỉnh và Uỷ viên thường trực Hội đồng Nhân dân tỉnh.
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội thuộc UBND tỉnh quản lý.
+ Bí thư, Phó Bí thư cấp huyện.
+ Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, HĐND cấp huyện.
+ Giám đốc, Phó Giám đốc các doanh nghiệp nhà nước hạng I, hạng II.
Của Ban thường vụ Đảng ủy khối nếu Đảng viên là thành viên Ban chấp hành Đảng bộ khối, là cấp ủy viên các tổ chức cơ sở Đảng, Chủ nhiệm và Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra theo quy định và các đối tượng sau đây:
+ Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp (trực thuộc các Sở, Ban, Ngành).
+ Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước hạng I, II nay đã chuyển thành công ty cổ phần.
+ Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng các doanh nghiệp nhà nước hạng III, IV; các doanh nghiệp nhà nước chưa xếp hạng (kể cả các doanh nghiệp nhà nước hạng III, IV, các doanh nghiệp nhà nước chưa xếp hạng nay đã chuyển thành công ty cổ phần).
+ Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc các Sở, Ban, Ngành.
Của Ban thường vụ cấp huyện, thị, thành ủy trực thuộc tỉnh đối với các đối tượng sau đây:
+ Giám đốc, Phó Giám đốc các đơn vị sự nghiệp (trực thuộc các Huyện, Thị, Thành phố).
+ Chánh, Phó chánh Văn phòng; Trưởng, Phó các Ban thuộc khối Đảng cấp huyện.
+ Trưởng, Phó các Ban thuộc HĐND cấp huyện.
+ Trưởng, Phó các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Của cấp ủy cơ sở Đảng nơi Đảng viên đang sinh hoạt và công tác đối với các đối tượng còn lại ngoài các đối tượng trên.
Thời hạn giải quyết
– Đối với các đối tượng do UBND tỉnh quyết định cử đi hoặc cho phép xuất cảnh không quá 08 ngày làm việc/1 lượt kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định (không kể thời gian chờ xin ý kiến của Thường trực tỉnh ủy và ý kiến về kinh phí của UBND tỉnh), trong đó:
+ Sở Ngoại vụ xử lý hồ sơ để trình UBND tỉnh trong thời gian không quá 03 ngày làm việc; kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cá nhân, đơn vị.
+ UBND tỉnh xử lý và ban hành quyết định cho phép hoặc trả lời không cho phép hoặc ký văn bản xin ý kiến của Thường trực tỉnh ủy không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày Sở Ngoại vụ tỉnh xử lý hồ sơ trình ký.
– Đối với các đối tượng do Giám đốc Sở Ngoại vụ, Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan hành chính cấp tỉnh quyết định cử hoặc cho phép xuất cảnh: không quá 04 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của cá nhân, đơn vị (không kể thời gian chờ ý kiến về kinh phí của UBND tỉnh).
>> Xem thêm: Miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh
Trên đây là quy định của pháp luật về thủ tục trên. Để biết thêm thông tin chi tiết, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn.
Đưa vào trường giáo dưỡng là gì?
Đưa vào trường giáo dưỡng là gì? Một số quy định của pháp luật về biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng? Hãy cùng [...]
Những nguyên tắc bảo vệ người lao động
Nguyên tắc bảo vệ người lao động rất rộng, đòi hỏi pháp luật thể hiện quan điểm bảo vệ người lao động với tư cách [...]