Có được hưởng chế độ thai sản khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm?
Có được hưởng chế độ thai sản khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm? Đây là thắc mắc của nhiều bạn đọc, bài viết dưới đây LawKey sẽ giải đáp nội dung này.
1. Thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế dộ thai sản?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 102 Luật bảo hiểm xã hội 2014, quy định về thời hạn giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản như sau:
“1. Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 100, các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 101 của Luật này cho người sử dụng lao động.
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 101 của Luật này và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ quy định tại Điều 100 và Điều 101 của Luật này nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.”
Như vậy, thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản của người lao động và người sử dụng lao động như sau:
Trường hợp 1: Người lao động nghỉ thai sản quay trở lại làm việc
– Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người sử dụng lao động;
– Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ từ người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm lập hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trường hợp 2: Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi
Trường hợp người lao động thôi việc trước thời điểm sinh con, nhận nuôi con nuôi thì nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Trong trường hợp này pháp luật không quy định thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản.
2. Người lao động vẫn được hưởng chế độ thai sản khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm
Theo điều 116 Luật bảo hiểm xã hội 2014: “Trường hợp vượt quá thời hạn được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 và khoản 2 Điều 110, khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản.”
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp vượt quá thời hạn nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản thì người lao động vẫn được hưởng thai sản với điều kiện người sử dụng lao động phải giải trình bằng văn bản cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Trường hợp nộp hồ sơ và giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của người lao động hoặc thân nhân của người lao động thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Xem thêm: Những quy định của pháp luật về chế độ thai sản
Thủ tục xin giải quyết hưởng chế độ thai sản
3. Mức phạt khi doanh nghiệp chậm nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
Theo điểm b khoản 4 Điều 40 Nghị định 28/2020/NĐ-CP, quy định mức phạt như sau:
“4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
b) Không lập hồ sơ hoặc văn bản đề nghị đúng thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 102, khoản 1 Điều 103, khoản 1 Điều 110, khoản 2 Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội;”
Như vậy, theo đó trường hợp người sử dụng lao động không lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ thai sản đúng thời hạn thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động.
Trên đây là nội dung bài viết Có được hưởng chế độ thai sản khi doanh nghiệp nộp hồ sơ chậm?, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Trình tự xử lý kỷ luật lao động theo quy định của pháp luật
Trong một số trường hợp vi phạm, người sử dụng lao động được phép áp dụng hình thức xử lý kỷ luật lao động. Dưới [...]
Có được ký lại nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không?
Có được ký lại nhiều lần hợp đồng lao động có thời hạn không? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]