Có bắt buộc phải nhập hộ khẩu với chồng sau khi kết hôn không?
Sau khi kết hôn có bắt buộc phải nhập hộ khẩu với chồng không? Điều kiện nhập hộ khẩu theo chồng như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Có bắt buộc phải nhập hộ khẩu với chồng sau khi kết hôn không?
Tại khoản 2 Điều 19 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 nêu rõ:
Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp, công tác, học tập, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và lý do chính đáng khác.
Bên cạnh đó, Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định:
Việc lựa chọn nơi cư trú của vợ chồng do vợ chồng thỏa thuận, không bị ràng buộc bởi phong tục, tập quán, địa giới hành chính.
Đồng thời, tại Điều 43 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định:
- Nơi cư trú của vợ, chồng là nơi vợ, chồng thường xuyên chung sống.
- Vợ, chồng có thể có nơi cư trú khác nhau nếu có thỏa thuận.
Như vậy, theo quy định nêu trên, vợ chồng có nghĩa vụ chung sống với nhau. Tuy nhiên, pháp luật không bắt buộc điều này, do đó, vợ chồng vẫn có thể thỏa thuận việc lựa chọn nơi cư trú khác mà không bắt buộc phải ở chung một nhà (nhập hộ khẩu).
Điều kiện nhập hộ khẩu theo chồng
Theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
- Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;
- Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;
- Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.
Như vậy, theo quy định nêu trên, nếu vợ về ở với chồng được đăng ký thường trú khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý.
Hồ sơ nhập hộ khẩu theo chồng
Tại khoản 2 Điều 21 Luật Cư trú 2020 quy định hồ sơ đăng ký thường trú đối với trường hợp vợ về ở với chồng như sau:
1. Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;
2. Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;
Lưu ý: Trường hợp người vợ đăng ký thường trú theo chồng là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.
>>Xem thêm: Quy định về hình phạt cấm cư trú 2023
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Mức phạt hành vi cố ý không ngăn chặn bạo lực gia đình
Cá nhân, tổ chức cố ý không ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình thì chịu mức phạt như thế nào theo quy định? Hãy cùng [...]
Quy định về nhận nuôi con nuôi qua tình huống cụ thể
Quy định về nhận con nuôi theo pháp luật hiện hành là như thế nào? Lawkey sẽ phân tích tình huống cụ thể dưới đây để [...]