Khởi tố vụ án vô ý làm chết người tại trường tiểu học Gateway
Khởi tố vụ án vô ý làm chết người tại trường tiểu học Gateway. Các bị can trong vụ án sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là bao nhiêu theo quy định pháp luật.
Vụ việc một cháu bé 6 tuổi bị tử vong trên xe đưa đón đến trường ở quận Cầu Giấy – Hà Nội vào chiều ngày 06/08/2019 đang được xã hội đặc biệt quan tâm. Sự việc gây xôn xao dư luận bởi sự thiếu trách nhiệm của cán bộ, nhân viên trường tiểu học Gateway và cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý từ các cơ quan quản lý giáo dục.
Sáng ngày 07/08/2019 tại buổi họp báo của UBND Quận Cầu Giấy, Thượng tá Dương Văn Hiếu – Trưởng Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết Cơ quan điều tra Công an Quận Cầu Giấy đã ra khởi tố vụ án về tội danh Vô ý làm chết người. Vậy thế nào là tội Vô ý làm chết người? Với trường hợp vụ việc này thì có thể truy cứu tội danh này hay không?
Thế nào là tội vô ý làm chết người ?
Trước hết chúng ta cần phân tích về tội vô ý làm chết người. Theo đó, Vô ý làm chết người là hành vi của một người không thấy trước được hành vi của mình có khả năng gây hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hoặc người phạm tội thấy trước hành vi của mình có thể gây ra chết người nhưng tin rằng hậu quả đó không xảy ra. Tội Vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật hình sự 2015 (đã được sửa đồi bổ sung).
Với trường hợp vụ việc này thì có thể truy cứu tội danh này hay không?
Nhìn nhận từ vụ việc đáng tiếc tại trường tiểu học Gateway, từ các thông tin mà báo chí đã cập nhật thì có thể hiểu việc Cơ quan chức năng khởi tố tội Vô ý làm chết người – Theo Điều 128 Bộ Luật Hình sự 2015 như sau:
Tài xế và nhân viên được giao nhiệm vụ đưa đón học sinh đã không kiểm tra, kiểm soát về số lượng các em học sinh đã đón cũng như số lượng học sinh bàn giao lại cho giáo viên chủ nhiệm. Có thể thấy, đây là trường hợp vô ý do cẩu thả khi những cá nhân có trách nhiệm đã không kiểm tra lại việc có học sinh nào chưa xuống xe hay không, số lượng học sinh xuống xe có bằng số học sinh đã lên xe. Chính hành động cẩu thả, thiếu cẩn trọng này là nguyên nhân để quên cháu bé và dẫn đến cái chết. Nếu như nhân viên của trường Gateway thực hiện công việc trách nhiệm hơn, thực hiện đầy đủ các quy định về đưa đón học sinh, tài xế kiểm tra kỹ xe trước khi tắt máy thì đã không xảy ra sự việc trên.
Cũng có người đặt ra vấn đề về việc có thể khởi tố tội danh Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính được không theo điều 129 Bộ luật Hình sự ?
Cụ thể, giáo viên phụ trách xe phải kiểm tra, là người rời xe khi các em đã xuống hết. Và tuy hiện nay Việt Nam không có các quy định riêng với xe đưa đón học sinh. Thì đối với trường hợp xe ô tô đưa đón học sinh hoàn toàn là xe khách, phải đăng ký kinh doanh dưới dạng xe hợp đồng (nếu thuê) hoặc xe vận chuyển nội bộ (nếu trường trang bị). Nguyên tắc cơ bản của lái xe khách là mỗi khi rời khỏi xe phải kiểm tra, rà soát lại trên và quanh xe, và là người cuối cùng rời khỏi xe. Như vậy, cả tài xế và nhân viên phụ trách đều đã không thực hiện đúng các quy tắc về việc đưa đón học sinh.
Ngoài ra khi phát hiện cháu bé không có mặt tại trường, Giáo viên chủ nhiệm đã báo lên hệ thống quản lý học sinh của nhà trường. Vậy quy trình xử lý của nhà trường khi có báo cáo của giáo viên về việc có học sinh nghỉ học là như thế nào? Những cá nhân nào có trách nhiệm quản lý hệ thống này và chịu trách nhiệm xử lý, liên hệ với phụ huynh học sinh khi có thông tin học sinh nghỉ học? Nếu quy trình này cho thấy phải có các biện pháp tìm hiểu, liên hệ với phụ huynh để nắm bắt tình hình thì có phải đã có những cá nhân không thực hiện? Những cá nhân này rõ ràng phải nhận thức được rằng có khả năng cháu bé gặp vấn đề gì đó mà đã không đến được trường mặc dù cha mẹ đã cho cháu đi học? Nếu những cá nhân này thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định thì cháu bé có thể đã được phát hiện ra sớm hơn và cứu sống được cháu bé.
Các bị can sẽ phải đối mặt với mức hình phạt nào
Về tội Vô ý làm chết người Điều 128 Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 128. Tội vô ý làm chết người
- Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.”
Về tội Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính như sau Điều 129 Bộ luật Hình sự quy định:
“Điều 129. Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính
- Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
- Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
- Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy nếu bị truy cứu và bị tuyên án với tội danh Vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Nếu là tội danh Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Đồng thời có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là những phân tích về trách nhiệm của những cá nhân có liên quan đến vụ việc cháu bé tử vong trên xe đưa đón học sinh tại Cầu Giấy, Hà Nội ngày 06/08/2019. Những phân tích này là dựa theo suy luận của người viết, chỉ mang tính tham khảo cho người đọc, không có giá trị pháp lý. Những kết luận cuối cùng về vụ việc chúng ta phải chờ thông tin chính thức từ Cơ quan điều tra và Bản án của Toàn án (nếu có).

Người bị buộc tội có được quyền tự bào chữa không?
Người bị buộc tội trong vụ án hình sự có được quyền tự bào chữa hay không? Được từ chối người bào chữa không? [...]

Nộp thuế và hoàn thuế bảo vệ môi trường
Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, người sử dụng không phải là người nộp thuế. Người nộp thuế nộp [...]