Không phải là luật sư có được bào chữa không?
Theo Bộ luật tố tụng Hình sự, không phải là luật sư có được bào chữa trong vụ án hình sự hay không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người bào chữa là ai?
Theo khoản 1 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Không phải là luật sư có được bào chữa không?
Theo khoản 2 Điều 72 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, người bào chữa có thể là:
- Luật sư;
- Người đại diện của người bị buộc tội;
- Bào chữa viên nhân dân;
- Trợ giúp viên pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Như vậy, người bào chữa không nhất thiết phải là luật sư mà có thể là những người khác theo quy định trên.
Thủ tục đăng ký bào chữa
(1) Trong mọi trường hợp tham gia tố tụng, người bào chữa phải đăng ký bào chữa.
(2) Khi đăng ký bào chữa, người bào chữa phải xuất trình các giấy tờ:
- Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội;
- Người đại diện của người bị buộc tội xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với người bị buộc tội;
- Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực.
(3) Trường hợp chỉ định người bào chữa thì người bào chữa xuất trình các giấy tờ:
- Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử luật sư của tổ chức hành nghề luật sư nơi luật sư đó hành nghề hoặc văn bản phân công của Đoàn luật sư đối với luật sư hành nghề là cá nhân;
- Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
- Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý xuất trình Thẻ trợ giúp viên pháp lý hoặc Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử người thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước.
(4) Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ quy định trên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kiểm tra giấy tờ và thấy không thuộc trường hợp từ chối việc đăng ký bào chữa quy định tại (5) thì vào sổ đăng ký bào chữa, gửi ngay văn bản thông báo người bào chữa cho người đăng ký bào chữa, cơ sở giam giữ và lưu giấy tờ liên quan đến việc đăng ký bào chữa vào hồ sơ vụ án; nếu xét thấy không đủ điều kiện thì từ chối việc đăng ký bào chữa và phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
(5) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối việc đăng ký bào chữa khi thuộc một trong các trường hợp:
- Trường hợp người bào chữa không được bào chữa;
- Người bị buộc tội thuộc trường hợp chỉ định người bào chữa từ chối người bào chữa.
(6) Văn bản thông báo người bào chữa có giá trị sử dụng trong suốt quá trình tham gia tố tụng, trừ các trường hợp:
- Người bị buộc tội từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa;
- Người đại diện hoặc người thân thích của người bị buộc tội quy định tại điểm b khoản 1 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 từ chối hoặc đề nghị thay đổi người bào chữa.
(7) Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hủy bỏ việc đăng ký bào chữa và thông báo cho người bào chữa, cơ sở giam giữ khi thuộc một trong các trường hợp:
Khi phát hiện người bào chữa thuộc trường hợp không được bào chữa;
Vi phạm pháp luật khi tiến hành bào chữa.
(Điều 78 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Theo Điều 74 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, quy định về thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng như sau:
“Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.”
Như vậy, thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng là từ khi khởi tố bị can.
Đối với trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra.
>>Xem thêm: Tết 2024 Nguyên đán 2024: Uống bao nhiêu lon bia thì bị phạt?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi về: Không phải là luật sư có được bào chữa không?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Bị cáo là ai? Quyền và nghĩa vụ của bị cáo?
Bị cáo là thuật ngữ thường xuyên được nhắc tới trong tố tụng hình sự. Vậy bị cáo là gì? Quyền và nghĩa vụ của [...]
Thủ tục miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ
Hồ sơ đề nghị miễn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ bao gồm các giấy tờ nào? Thủ tục miễn chấp hành án phạt [...]