Phá sản theo thủ tục rút gọn
PHÁ SẢN THEO THỦ TỤC RÚT GỌN
1. Phá sản và thủ tục phá sản:
Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Theo Luật phá sản 2014, thủ tục phá sản thông thường được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bước 2: Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Bước 3: Mở thủ tục phá sản
Bước 4: Kiểm kê tài sản, lập danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ
Bước 5: Hội nghị chủ nợ
Bước 6: Phục hồi doanh nghiệp
Bước 7: Ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
Bước 8: Thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã bị phá sản
Căn cứ vào quy định tại điều 105 Luật Phá sản 2014 có thể hiểu Phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã theo thủ tục rút gọn là việc doanh nghiệp, hợp tác xã được phép tiến hành phá sản không theo đầy đủ trình tự các bước thông thường mà có thể bỏ qua, không thực hiện một hoặc một số bước.
2. Các trường hợp phá sản theo thủ tục phá sản rút gọn:
Theo quy định tại khoản 1 điều 105 Luật phá sản năm 2014, có thể thấy có hai trường hợp phá sản theo thủ tục rút gọn như sau:
2.1. Trường hợp thứ nhất: Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật phá sản 2014 mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Đối tượng được quy định tại Khoản 3, khoản 4 điều 5 Luật phá sản 2014 là:
“ 3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.”
2.2. Trường hợp thứ hai: Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản.
Trường hợp này được hiểu là người yêu cầu mở thủ tục phá sản đã nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, Tòa án đã thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp mất thanh toán nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán lại không còn đủ tiền, tài sản để thanh toán chi phí phá sản (bao gồm: chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật….).
3. Các bước phá sản doanh nghiệp hợp tác xã theo thủ tục rút gọn
Phụ thuộc vào trường hợp cụ thể của doanh nghiệp hợp tác mất khả năng thanh toán mà Tòa án nhân dân giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn theo các cách thức khác nhau:
3.1. Trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 105: Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 5 của Luật phá sản 2014 mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Thủ tục phá sản rút gọn được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Người nộp đơn yêu cầu mở tục phá sản gửi lên tòa án nhân dân.
Bước 2: Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn
Bước 3: Tòa án nhân dân xem xét, ra tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản
Bước 4: Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
3.2. Trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 điều 105: Sau khi thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tài sản để thanh toán chi phí phá sản
Thủ tục phá sản rút gọn được thực hiện theo các bước sau đây:
Bước 1: Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản tại tòa án nhân dân.
Bước 2: Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Bước 3: Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn
Bước 4: Tòa án tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
Bước 5: Thi hành quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản.
3.3 Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 105 Luật phá sản 2014, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Tòa án nhân dân thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết về việc Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn, Tòa án nhân dân xem xét, tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản đối với những trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này hoặc tiếp tục giải quyết theo thủ tục thông thường và thông báo cho người tham gia thủ tục phá sản biết. Như vậy, phụ thuộc vào quyết định của Tòa án thủ tục phá sản rút gọn có thể chỉ được tiến hành một phần và doanh nghiệp hợp tác xã lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán có thể sẽ phải tiếp tục thực hiện phá sản theo thủ tục thông thường .
Trên đây là một số nội về Phá sản theo thủ tục rút gọn quy định tại Luật phá sản 2014 LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:
Điện thoại: (024) 665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey
Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại như thế nào
Phạt vi phạm hợp đồng trong thương mại là gì? Điều kiện áp dụng phạt vi phạm hợp đồng thương mại theo quy định của [...]
Điều kiện của xe máy khi tham gia giao thông
Các loại xe máy muốn lưu thông trên đường bộ phải đáp ứng các điều kiện nhất định được pháp luật quy định. Vậy [...]