Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật hiện hành
Tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu được pháp luật hiện hành quy định như thế nào? Các trường hợp có thể áp dụng các biện pháp này? Thời hạn áp dụng cũng như thẩm quyền áp dụng ra sao? Cùng LawKey tìm hiểu về biện pháp Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu qua bài viết sau.
Khái niệm
Tạm ngừng xuất khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ nội địa vào khu vực hải quan riêng hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
Tạm ngừng nhập khẩu là biện pháp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định không được đưa hàng hóa từ khu vực hải quan riêng vào nội địa hoặc từ nước ngoài vào lãnh thổ Việt Nam trong một khoảng thời gian nhất định.
Trường hợp áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Theo quy định tại Điều Luật Quản lý ngoại thương 2017 thì biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu được áp dụng khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
TH1: Hàng hóa thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp trong quản lý ngoại thương
Điều 100 Luật Quản lý ngoại thương 2017 quy định Các trường hợp áp dụng biện pháp kiểm soát khẩn cấp đối với hàng hóa
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra chiến tranh, tham gia chiến tranh, xung đột hoặc có nguy cơ xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh, lợi ích quốc gia của Việt Nam.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố môi trường mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý xảy ra sự cố, thiếu sót, sai sót kỹ thuật mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc chứng minh được là có ảnh hưởng trực tiếp, nghiêm trọng đến an toàn, sức khỏe của người tiêu dùng hàng hóa đó.
– Hàng hóa đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực địa lý gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sinh thái, đa dạng sinh học của Việt Nam mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thông tin một cách công khai hoặc có cơ sở khoa học chứng minh được sự ảnh hưởng đó.
– Mất cân đối nghiêm trọng của cán cân thanh toán.
Ngoài ra còn có các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, khi hàng hóa thuộc một trong các tường hợp trên thì cơ quan có thẩm quyền có thể áp dụng biện pháp Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu sau khi đánh giá, lựa chọn biện pháp gây ít cản trở nhất cho hoạt động ngoại thương. Biện pháp trên được bãi bỏ khi không còn thuộc các trường hợp đã nêu ở trên.
TH2: Hàng hóa thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nhưng chưa có trong Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu.
Các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Quản lý ngoại thương về Cấm Xuất khẩu, cấm nhập khẩu hàng hóa.
Trường hợp áp dụng cấm xuất khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép xuất khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;
– Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trường hợp áp dụng cấm nhập khẩu khi hàng hóa thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Liên quan đến quốc phòng, an ninh chưa được phép nhập khẩu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Gây nguy hại đến sức khỏe, an toàn của người tiêu dùng;
– Gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục;
– Gây nguy hại đến môi trường, đa dạng sinh học, có nguy cơ cao mang theo sinh vật gây hại, đe dọa an ninh lương thực, nền sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
– Theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Thời hạn áp dụng
Biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu bị bãi bỏ khi hết thời hạn tạm ngừng hoặc hàng hóa không còn thuộc các trường hợp nêu trên.
Thẩm quyền áp dụng biện pháp tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu
Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định việc tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, trừ trường hợp pháp luật về thú y, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
Các trường hợp ngoại lệ
– Đối với hàng hóa bị tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu thì vẫn có thể xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đó khi co quyết định cho phép xuất khẩu, nhập khẩu của Bộ trưởng Bộ Công Thương nhằm mục đích đặc dụng, bảo hành, phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, bảo vệ quốc phòng, an ninh.
Việc thực hiện phải dựa trên cơ sở lấy ý kiến hoặc theo đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan, trừ trường hợp pháp luật thú ý, bảo vệ và kiểm dịch thực vật có quy định khác.
– Việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa đã có quyết định tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu đối với khu vực hải quan riêng được thực hiện theo quy định tại Mục 8 Chương II Luật Quản lý ngoại thương 2017.
Xem thêm: Hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương
Điều kiện để hàng hóa tham gia hội chợ, triển lãm thương mại ở nước ngoài?
Trên đây là tư vấn của LawKey về Tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với LawKey để được tư vấn và giải đáp.
Quy trình vận hành hồ chứa nước được quy định như nào?
Quy trình vận hành hồ chứa nước được quy định như nào? Muốn điều chỉnh quy trình vận hành hồ chứa thủy điện thì [...]
Hộ kinh doanh là gì? Đặc điểm của hộ kinh doanh cá thể
Hộ kinh doanh là gì? Các đặc điểm cơ bản của hộ kinh doanh cá thể theo quy định mới nhất như thế nào? Có nên đăng ký hộ [...]