Có được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố hay không?
Liệu tội danh sau khi đã khởi tố có thay đổi sang tội danh khác được không? Ai có thẩm quyền thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trình tự tố tụng một vụ án hình sự qua mấy giai đoạn?
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trình tự tố tụng một vụ án hình sự sẽ được tiến hành theo các giai đoạn sau đây:
Giai đoạn 1: Khởi tố vụ án hình sự
Khi có căn cứ khởi tố vụ án hình sự các cơ quan sau đây sẽ có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự:
- Cơ quan điều tra;
- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
- Viện kiểm sát nhân dân;
- Hội đồng xét xử.
Giai đoạn 2: Điều tra vụ án hình sự
Ngay sau khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự thì giai đoạn tiếp theo trong quy trình giải quyết vụ án hình sự là điều tra vụ án hình sự.
Thời hạn điều tra vụ án hình sự không quá 02 tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng, không quá 03 tháng đối với tội phạm nghiêm trọng, không quá 04 tháng đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Hết thời hạn điều tra cơ quan có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự có thể gia hạn thêm theo quy định.
Giai đoạn 3: Truy tố vụ án hình sự
Sau khi hoàn thành điều tra vụ án hình sự cơ có thẩm quyền điều tra vụ án hình sự sẽ chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát truy tố vụ án hình sự.
Viện kiểm sát cấp nào thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra thì Viện kiểm sát cấp đó quyết định việc truy tố. Thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát được xác định theo thẩm quyền xét xử của Tòa án đối với vụ án.
Thời hạn truy tố vụ án hình sự là 20 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, 30 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng kể từ ngày nhận hồ sơ vụ án và bản kết luận điều tra.
Viện trưởng Viện kiểm sát có thể gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố nhưng không quá 10 ngày đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng, không quá 15 ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng, không quá 30 ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Giai đoạn 4: Xét xử vụ án hình sự
Giai đoạn xét xử vụ án hình sự bao gồm:
- Xét xử sơ thẩm vụ án hình sự;
- Xét xử phúc thẩm vụ án hình sự;
Trong giai đoạn này, Tòa án sẽ quyết định hình phạt đối với người phạm tội. Việc xét xử được tiến hành bằng lời nói và được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ và thời gian tạm ngừng phiên tòa.
Kết thúc giai đoạn xét xử vụ án hình sự Tòa án phải đưa ra bản án. Tòa án ra bản án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bản án phải có chữ ký của tất cả thành viên Hội đồng xét xử.
Có được thay đổi tội danh sau khi đã khởi tố hay không?
Trong giai đoạn khởi tố, khoản 1 Điều 156 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:
“1. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra; ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định còn tội phạm khác chưa bị khởi tố.”
Như vậy, trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra hoặc Viện Kiểm sát đều có quyền thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự khi có căn cứ xác định tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội xảy ra
Trong giai đoạn truy tố vụ án, theo khoản 4, khoản 5 Điều 236 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015:
“Điều 236. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố
…
4. Quyết định khởi tố, quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can trong trường hợp phát hiện còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác trong vụ án chưa được khởi tố, điều tra.
5. Quyết định trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để yêu cầu điều tra bổ sung.”
Như vậy, khi xem xét kết quả điều tra, Viện kiểm sát có thể ra quyết định truy tố vụ án hoặc ra quyết định thay đổi, quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án, bị can. Ngoài ra, trong trường hợp nhận thấy tội danh đã khởi tố không đúng, Viện kiểm sát có thể trả lại hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Trong giai đoạn xét xử, Điều 298 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định:
“Điều 298. Giới hạn của việc xét xử
1. Tòa án xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa vụ án ra xét xử.
2. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.
3. Trường hợp xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại và thông báo rõ lý do cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, người bào chữa biết; nếu Viện kiểm sát vẫn giữ tội danh đã truy tố thì Tòa án có quyền xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn đó.”
Như vậy, Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố. Nếu xét thấy cần xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh Viện kiểm sát truy tố thì Tòa án trả hồ sơ để Viện kiểm sát truy tố lại.
>>Xem thêm: Trường hợp nào xét xử vắng mặt bị cáo?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Ngoại tình với người đã có gia đình có bị xử phạt không?
Nguyên tắc hôn nhân “một vợ một chồng” được khẳng định rất rõ ràng trong Luật hông nhân và gia đình 2014. [...]
Tội dụ dỗ người dưới 18 tuổi phạm pháp
Thế nào là dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người dưới 18 phạm pháp ? Bị xử lý hình sự như thế nào ? Hãy cùng LawKey [...]