Trường hợp nào xét xử vắng mặt bị cáo?
Trường hợp nào xét xử vắng mặt bị cáo? Nếu bị cáo bị xét xử vắng mặt thì có được gửi bản án không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Trường hợp nào xét xử vắng mặt bị cáo?
♣ Bị cáo phải có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập của Tòa án trong suốt thời gian xét xử vụ án; nếu vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì bị áp giải; nếu bị cáo vắng mặt vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan thì phải hoãn phiên tòa.
Nếu bị cáo bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án cho đến khi bị cáo khỏi bệnh.
Nếu bị cáo trốn thì Hội đồng xét xử tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
♣ Tòa án chỉ có thể xét xử vắng mặt bị cáo trong 04 trường hợp:
- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
- Bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận;
- Nếu sự vắng mặt của bị cáo không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử.
(Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Quy định về giao, gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt
♣ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi bản án cho bị cáo bị xét xử vắng mặt nếu bị cáo vắng mặt do bị cáo đề nghị xét xử vắng mặt và được Hội đồng xét xử chấp nhận.
♣ Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày tuyên án, bản án phải được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú cuối cùng hoặc cơ quan, tổ chức nơi làm việc, học tập cuối cùng của bị cáo nếu trường hợp xét xử vắng mặt bị cáo do:
- Bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả;
- Bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa;
(Điều 262 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
Quyền và nghĩa vụ của bị cáo
Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử. Quyền và nghĩa vụ của bị cáo là pháp nhân được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật của pháp nhân theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Quyền của bị cáo
Bị cáo có quyền:
Nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử; quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế; quyết định đình chỉ vụ án; bản án, quyết định của Tòa án và các quyết định tố tụng khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015;
Tham gia phiên tòa;
Được thông báo, giải thích về quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này;
Đề nghị giám định, định giá tài sản; đề nghị thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật; đề nghị triệu tập người làm chứng, bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người định giá tài sản, người tham gia tố tụng khác và người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tham gia phiên tòa;
Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
Trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
Tự bào chữa, nhờ người bào chữa;
Trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội;
Đề nghị chủ tọa phiên tòa hỏi hoặc tự mình hỏi người tham gia phiên tòa nếu được chủ tọa đồng ý; tranh luận tại phiên tòa;
Nói lời sau cùng trước khi nghị án;
Xem biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên tòa;
Kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Nghĩa vụ của bị cáo
Bị cáo có nghĩa vụ:
Có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án. Trường hợp vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì có thể bị áp giải; nếu bỏ trốn thì bị truy nã;
Chấp hành quyết định, yêu cầu của Tòa án.
(Điều 61 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015)
>>Xem thêm: Bắt bị can, bị cáo để tạm giam
Trên đây là bài viết về: Trường hợp nào xét xử vắng mặt bị cáo?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự
Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật Hình sự được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu [...]
Khi nào hiếp dâm bị tử hình?
Hiếp dâm là một trong những hành vi rất nghiêm trọng và sẽ bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Vậy khi nào hiếp dâm [...]