Thủ tục ly hôn có bắt buộc phải hòa giải?
Thủ tục hòa giải ly hôn mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Nó không chỉ là những quy định bắt buộc của pháp luật mà còn mang nhiều ý nghĩa nhân văn giúp những người muốn ly hôn nhìn nhận lại kỹ càng hơn về yêu cầu của mình, tránh những trường hợp phải hối tiếc. Khi ly hôn có bắt buộc phải thực hiện thủ tục hòa giải hay không? Có thể bỏ qua giai đoạn này để tiến hành trực tiếp việc ly hôn hay không? Pháp luật quy định về thủ tục hòa giải khi giải quyết ly hôn như thế nào?
Hòa giải ly hôn tại Tòa
Hòa giải là một phương thức giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực dân sự, thương mại; và tranh chấp hôn nhân gia đình cũng không ngoại lệ. Các bên giải quyết tranh chấp sẽ tự nguyện tham gia; tự thỏa thuận các biện pháp giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ của bên thứ ba trung lập.
Hòa giải là hành vi của một bên thứ ba (không phải bên tranh chấp) thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa và đi đến những thỏa thuận nhất đinh.
Như vậy hòa giải ly hôn tại Tòa là việc Tòa án với cương vị là bên thứ ba sẽ đứng ra thuyết phục hai bên vợ, chồng hàn gắn lại mối quan hệ vợ chồng đang bên bờ vực thẳm; qua đó tiết kiệm được thời gian, công sức cũng như tiền bạc của các bên.
Ly hôn hòa giải mấy lần?
Pháp luật không quy định cụ thể về số lần tiến hành hòa giải trong một vụ án ly hôn đơn phương. Trên thực tế, việc hòa giải có thể tiến hành đến 2-3 lần, nếu hòa giải không thành thì Tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử.
Hòa giải tại Tòa án là một trong những thủ tục bắt buộc khi ly hôn theo Điều 54 Luật Hôn nhân gia đình 2014 quy định:
“Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.”
Theo đó, bộ luật tố tụng dân sự quy định về thủ tục hòa giải như sau:
“Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải hoặc không tiến hành hòa giải được theo quy định tại điều 206 và 207 bộ luật Tố tụng dân sự”
Việc hòa giải có ý nghĩa quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án. Khi bắt đầu thủ tục hòa giải, thẩm phán sẽ phổ biến cho các bên về các quy định của pháp luật có liên quan đến việc ly hôn để các bên liên hệ đến quyền, nghĩa vụ của mình, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành để họ tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án ly hôn. Nhà nước khuyến khích hòa giải ở cơ sở quy định tại Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:
“Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở.”
Việc hòa giải ở cơ sở là không bắt buộc. Cơ sở ở đây chính là tổ dân phố, làng, xã, ấp, bản…nơi 2 vợ chồng chung sống. Mục đích của việc hòa giải cơ sở là để khuyến khích các bên giải quyết mâu thuẫn; tranh chấp với nhau.
Những trường hợp ly hôn không tiến hành hòa giải được?
Những trường hợp ly hôn mà Tòa án không tiến hành hòa giải được bao gồm:
– Bị đơn, người có quyền lợi; nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà cố tình vắng mặt.
– Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
– Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
– Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải.
Kết quả hòa giải được giải quyết như thế nào?
Trường hợp các bên hòa giải ly hôn tại Tòa thành
Hết thời hạn 07 ngày; kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà không có vợ/chồng thay đổi ý kiến về sự thỏa thuận đó thì Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải hoặc một Thẩm phán được Chánh án Tòa án phân công phải ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của hai vợ chồng.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc; kể từ ngày ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Tòa án phải gửi quyết định đó cho hai vợ chồng và Viện kiểm sát cùng cấp.
Thẩm phán chỉ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; nếu các đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.
Trường hợp các bên hòa giải không thành
Nếu vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình; hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền; nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng; đời sống chung không thể kéo dài; mục đích của hôn nhân không đạt được.
>> Xem thêm: Công chứng văn bản thỏa thuận tài sản vợ chồng sau khi ly hôn
Trên đây là những ý kiến đóng góp của LAWKEY. Để biết thông tin chi tiết hãy liên hệ với chúng tôi.
Chi phí khi nhờ tòa án chia tài sản ly hôn?
Tài sản là một trong những sở hữu chung cần phải chia khi hai vợ chồng ly hôn. Vậy chi phí khi nhờ tòa án chia tài sản ly hôn [...]
Đơn phương ly hôn khi bị bạo lực gia đình
Bạo lực gia đình là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng ly hôn. Vậy vợ/chồng có được giải [...]