Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật bị xử lý hình sự như thế nào ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Các yếu tố cấu thành tội phạm
Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật được quy định tại Điều 377 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017
có những yếu tố cấu thành tội phạm cơ bản như sau:
Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là chủ thể đặc biệt, chỉ có những người có chức vụ, quyền hạn có nghĩa vụ trong việc trả tự do cho người bị giam, bị giữ mới có thể là chủ thể của tội phạm này.
Những người có chức vụ, quyền hạn có nghĩa vụ trong việc trả tự do cho người bị giam, bị giữ người là những người mà theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự họ phải có nghĩa vụ tha người bị giam, bị giữ, gồm hai loại: những người có nghĩa vụ ra quyết định và những người có nghĩa vụ chấp hành quyết định.
Những người có nghĩa vụ ra quyết định trả tự do cho người bị giam, giữ là những người theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự họ phải có nghĩa vụ ra quyết định trả tự do cho người bị giam, giữ bao gồm: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; người chỉ huy đơn vị quân đội độc lập cấp trung đoàn và tương đương; người chỉ huy đồn biên phòng ở hải đảo và biên giới; người chỉ huy tàu bay, tàu biển, khi tàu bay, tàu biển đã rời khỏi sân bay, bến cảng; Chỉ huy trưởng vùng Cảnh sát biển (đối với người bị tạm giữ). Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân và Viện kiểm sát quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án Toà án nhân dân và Toà án quân sự các cấp; Thẩm phán giữ chức vụ Chánh toà, Phó Chánh toà Tòa phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao; Hội đồng xét xử (đối với người bị giam).
Những người có nghĩa vụ chấp hành quyết định trả tự do cho người bị giam giữ bao gồm: Ban giám thị các nhà tạm giữ, trại tạm giam và trại giam (trại cải tạo những người chấp hành hình phạt tù); cán bộ, chiến sĩ có nhiệm vụ canh giữ, dẫn giải người bị giam giữ (trong một số trường hợp).
Ngoài ra, chủ thể của tội phạm phải thỏa mãn điều điện là người có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
Khách thể
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt giữ, giam người trái pháp luật là tội xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan tiến hành tố tụng, nhưng nó vẫn xâm phạm trực tiếp đến quyền nhân thân (quyền bất khả xâm phạm) của người bị bắt, giam, giữ. Lẽ ra họ được thả tự do thì lại vẫn bị tạm giam, bị giữ.
- Đối tượng tác động của tội phạm này lại chính là người bị giam, bị giữ. Thông qua việc giam, giữ những người này trái pháp luật mà người phạm tội xâm phạm đến khách thể cần được bảo vệ.
Mặt chủ quan
- Người phạm tội giam, giữ người trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý, cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp. Tức là người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là lượi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền và việc không ra quyết định trả tự do hoặc không chấp hành quyết định trả tự do cho người bị giam, giữ như vậy là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.
- Động cơ tuy không phải dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này, dù người phạm tội với động cơ nào đi nữa thì hành vi không ra quyết định hoặc không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của pháp luật đều đã cấu thành tội phạm. Tuy nhiên, đối với tội phạm này, động cơ của người phạm tội chủ yếu là vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác, rất ít trường hợp vì động cơ vì muốn hoàn thành nhiệm vụ.
Mặt khách quan
- Không ra lệnh, quyết định mà theo luật phải thực hiện, như: Không ra quyết định trả tự do, là trường hợp có đủ căn cứ để trả tự do nhưng không ra quyết định trả tự do, dẫn đến người đó vẫn bị bắt, giữ, giam; Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi đã hết hạn, làm cho người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
- Không chấp hành lệnh, quyết định mà theo luật có nghĩa vụ phải chấp hành, như: Không chấp hành quyết định quyết định trả tự do, là trường hợp tuy đã có quyết định trả tự do nhưng không chấp hành, dẫn đến người đó vẫn bị bắt, giữ, giam.
- Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ hoặc không đúng người.
- Thực hiện hành vi bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành (chưa được Viện kiểm sát phê chuẩn).
- Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này. Nếu hành vi giam, giữ người trái pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 hoặc khoản 3 của điều luật.
Về hình phạt
Tại Điều 377 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật như sau:
Khung 1
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Không ra quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
b) Ra lệnh, quyết định bắt, giữ, giam người không có căn cứ theo quy định của luật;
c) Không chấp hành quyết định trả tự do cho người được trả tự do theo quy định của luật;
d) Thực hiện việc bắt, giữ, giam người không có lệnh, quyết định theo quy định của luật hoặc tuy có lệnh, quyết định nhưng chưa có hiệu lực thi hành;
đ) Không ra lệnh, quyết định gia hạn tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi, hủy bỏ biện pháp tạm giữ, tạm giam khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam dẫn đến người bị tạm giữ, tạm giam bị giam, giữ quá hạn.
Khung 2
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật từ 02 người đến 05 người;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật bị tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
c) Làm người bị giam, giữ hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn;
d) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng.
Khung 3
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Giam, giữ trái pháp luật 06 người trở lên;
b) Làm người bị giam, giữ trái pháp luật tổn hại về sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc chết;
c) Làm người bị giam, giữ tự sát;
d) Làm gia đình người bị giam, giữ ly tán.
Người phạm tội còn có thể bị xử phạt bổ sung
4. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
>>Xem thêm: Để người bị tạm giam, tạm giữ bỏ trốn có bị xử lý hình sự không ?
Trên đây là bài viết về Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn bắt, giữ, giam người trái pháp luật LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có vấn đề gì mà Bạn đọc còn vướng mắc, băn khoăn hãy liên hệ với LawKey theo thông tin trên Website hoặc dưới đây để được giải đáp:
Điện thoại: (024) 665.65.366 Hotline: 0967.59.1128
Email: contact@lawkey.vn Facebook: LawKey
Trình tự thi hành án phạt cấm cư trú theo pháp luật mới nhất
Trình tự thi hành án phạt cấm cư trú theo pháp luật mới nhất được tiến hành như thế nào? Nếu người chấp hành án chết [...]
Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm
Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Pháp luật điều chỉnh [...]