Tội lưu hành tiền giả theo Bộ luật Hình sự 2015
Hành vi lưu hành tiền giả là hành vi mang lại những hậu quả nghiêm trọng liên quan đến nền kinh tế và an ninh quốc gia. Vậy tội lưu hành tiền giả được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tội lưu hành tiền giả theo Bộ luật Hình sự 2015
Theo Điều 207 Bộ luật Hình sự 2015 quy định tội làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả như sau:
Khung 1
Người nào làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Khung 2
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.
Khung 3
Phạm tội trong trường hợp tiền giả có trị giá tương ứng từ 50.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Khung 4
Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.
Hình phạt bổ sung
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Cơ quan phát hành tiền Việt Nam
Theo Điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010 quy định về phát hành tiền giấy, tiền kim loại như sau:
- Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Ngân hàng Nhà nước bảo đảm cung ứng đủ số lượng và cơ cấu tiền giấy, tiền kim loại cho nền kinh tế.
- Tiền giấy, tiền kim loại phát hành vào lưu thông là tài sản “Nợ” đối với nền kinh tế và được cân đối bằng tài sản “Có” của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Các hành vi bị cấm liên quan đến tiền Việt Nam
Theo Điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, các hành vi bị cấm liên quan đến tiền giấy, tiền kim loại Việt Nam bao gồm:
- Làm tiền giả; vận chuyển, tàng trữ, lưu hành tiền giả.
- Huỷ hoại đồng tiền trái pháp luật.
- Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành.
- Các hành vi bị cấm khác theo quy định của pháp luật.
Nguyên tắc in, quản lý seri tiền Việt Nam
(1) Nguyên tắc in seri trong quá trình in tiền
- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành trước năm 2003, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 07 chữ số in từ 0000001 trở đi;
- Đối với các loại tiền Ngân hàng Nhà nước công bố phát hành từ năm 2003 trở đi, seri gồm vần seri và dãy số tự nhiên gồm 08 chữ số, trong đó hai chữ số liền kề với vần seri là hai chữ số cuối của năm sản xuất tờ tiền, 06 chữ số tiếp theo là dãy số tự nhiên in từ 000001 trở đi;
- Mỗi tờ tiền có một seri riêng.
(2) Nguyên tắc quản lý seri trong quá trình in tiền của cơ sở in, đúc tiền
Cơ sở in, đúc tiền thực hiện in seri tờ tiền theo nguyên tắc quy định trên. Trường hợp tờ tiền in hỏng được phát hiện sau công đoạn in seri, cơ sở in, đúc tiền phải sử dụng tờ tiền có vần phụ thay thế. Nguyên tắc sử dụng vần phụ thay thế được thực hiện theo quy định của cơ sở in, đúc tiền;
Cơ sở in, đúc tiền tổ chức lưu trữ và quản lý thông tin seri của từng loại tiền (bao gồm cả vần phụ) đảm bảo chính xác, đầy đủ các yếu tố ghi trên niêm phong bao, gói, bó tiền mới in hoặc quy cách đóng gói khác do Ngân hàng Nhà nước quy định, bao gồm các yếu tố như cơ sở in, đúc tiền, loại tiền, vần seri, năm sản xuất. Tài liệu về vần seri được lưu trữ tại cơ sở in, đúc tiền theo quy định của cơ sở in, đúc tiền.
(Điều 5 Thông tư 01/2024/TT-NHNN)
>>Xem thêm: Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.
Nghỉ Tết Âm lịch đánh bài 3 cây có bị phạt không?
Nghỉ Tết Âm lịch đánh bài 3 cây có bị phạt không? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. Nghỉ Tết Âm lịch [...]
Biên bản về việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, biên bản bắt người
Lập biên bản khi giữ người hay thi hành lệnh, quyết định bắt người là hoạt động tố tụng cần thiết để đảm bảo [...]