Cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ
Để kinh doanh dịch vụ đánh giá công nghệ, doanh nghiệp phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ. Dưới đây là hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện.
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận
Doanh nghiệp, tổ chức khoa học và công nghệ khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ phải đáp ứng các điều kiện đươc quy định tại Điều 33 Nghị định 76/2018/NĐ-CP, bao gồm:
– Được thành lập, đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật.
– Có ít nhất 02 chuyên gia có trình độ tốt nghiệp đại học trở lên với chuyên ngành đào tạo phù hợp với lĩnh vực công nghệ cần đánh giá, có kinh nghiệm làm việc từ 03 năm trở lên trong lĩnh vực công nghệ cần đánh giá.
Trường hợp bổ sung lĩnh vực công nghệ đánh giá, phải có ít nhất 02 chuyên gia đánh giá công nghệ của tổ chức trong lĩnh vực công nghệ đánh giá, đáp ứng điều kiện quy định tại khoản này.
– Có phương pháp, quy trình đánh giá công nghệ do tổ chức ban hành.
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận
– Bộ quản lý ngành, lĩnh vực theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của một bộ quản lý ngành, lĩnh vực.
– Bộ Khoa học và Công nghệ có thẩm quyền cấp đối với trường hợp đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của từ hai bộ quản lý ngành, lĩnh vực trở lên.
Hồ sơ đề nghị
Để được cấp Giấy chứng nhận, doanh nghiệp cần chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các giấy tờ quy định tại Điều 35 Nghị định 76/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
– Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ theo Mẫu số 03 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
– Quyết định thành lập tổ chức, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
– Danh sách các chuyên gia đánh giá công nghệ kèm theo tài liệu liên quan đối với mỗi đánh giá viên công nghệ gồm: Thỏa thuận hợp tác giữa chuyên gia với tổ chức; bản sao chứng thực bằng cấp, tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ và tài liệu chứng minh kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia.
Danh sách chuyên gia đánh giá công nghệ của tổ chức và Tóm tắt kinh nghiệm hoạt động đánh giá công nghệ của chuyên gia theo Mẫu số 07 và Mẫu số 08 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này;
– Tài liệu thuyết minh phương pháp, quy trình đánh giá công nghệ tương ứng với từng lĩnh vực công nghệ cần đánh giá.
Trình tự, thủ tục thực hiện
Trình tự, thủ tục thực hiện được hướng dẫn tại Điều 34 Nghị định 76/2018/NĐ-CP. Cụ thể như sau:
Bước 1:
Tổ chức đăng ký hoạt động dịch vụ đánh giá công nghệ nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ theo quy định trên tới cơ quan có thẩm quyền.
Bước 2:
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm thông báo bằng văn bản đề nghị tổ chức sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Bước 3:
Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo Mẫu số 06 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này, trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do.
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi gửi đến bạn đọc. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp.
Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài
Nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn Việt Nam để đầu tư thực hiện các dự án. Trình tự thủ tục thực hiện dự án đầu [...]
Hợp đồng đối tác công tư là gì theo quy định của pháp luật?
Hợp đồng đối tác công tư được sử dụng khá nhiều trong lĩnh vực đầu tư. Tuy nhiên, có rất ít người hiểu rõ về [...]