Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ logistics
Logistic là một ngành dịch vụ mới tại Việt Nam và có tốc độ phát triển nhanh trong những năm gần đây. Do đó, nhu cầu thành lập công ty kinh doanh dịch vụ logistics tại Việt Nam đang tăng cao đối với các nhà đầu tư trong nước. Vậy để thành lập một công ty kinh doanh dịch vụ logistics thì cá nhân, tổ chức cần phải đáp ứng những điều kiện gì?
Theo Luật Thương mại 2005, dịch vụ logistics là hoạt động thương mại, theo đó thương nhân tổ chức thực hiện một hoặc nhiều công việc bao gồm nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan đến hàng hóa theo thỏa thuận với khách hàng để hưởng thù lao.
1. Điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics
Nghị định 163/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh dịch vụ logistics có quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics như sau:
“Thương nhân kinh doanh các dịch vụ cụ thể thuộc dịch vụ logistics quy định tại Điều 3 Nghị định này phải đáp ứng các điều kiện đầu tư, kinh doanh theo quy định của pháp luật đối với dịch vụ đó.”
Như đã biết, logistics là một ngành dịch vụ bao gồm nhiều công việc, được coi như “nhân vật trung gian” đưa hàng hóa từ cơ sở sản xuất đến tay người tiêu dùng. Logistics cung cấp rất nhiều loại dịch vụ như: dịch vụ xếp dỡ container, dịch vụ kho bãi, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ vận tải, dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan,… (Theo điều 3 Nghị định 163/2017/NĐ-CP). Một công ty kinh doanh dịch vụ logistics có thể lựa chọn cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ trong danh sách trên. Trong số đó, có nhiều loại dịch vụ mà pháp luật có quy định những điều kiện bắt buộc phải đáp ứng nếu công ty muốn hoạt động.
Dịch vụ | Căn cứ pháp lý |
Dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan (bao gồm cả dịch vụ thông quan) | Luật Hải quan 2014 |
Dịch vụ kiểm định hàng hóa | Luật Thương mại 2005 Nghị định 20/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại 2005 về kinh doanh dịch vụ giám định thương mại Nghị định 125/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ giám định thương mại |
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải biển | Bộ luật hàng hải 2015. Nghị định 160/2016/NĐ-CP Về điều kiện kinh doanh vận tải biển, kinh doanh dịch vụ đại lý tàu biển và dịch vụ lai dắt tàu biển. Nghị định 147/2018/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải. |
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường thủy nội địa | Luật Giao thông đường thủy nội địa 2014 Nghị định 110/2014/NĐ-CP quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa Nghị định 128/2018/NĐ-CP sửa đổi một số điều của nghị định 110/2014/NĐ-CP |
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường sắt | Luật Đường sắt 2005 Nghị định 14/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đường sắt 2005 |
Dịch vụ vận tải hàng hóa thuộc dịch vụ vận tải đường bộ | Luật giao thông đường bộ 2008 Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô |
Dịch vụ vận tải hàng không | Nghị định 92/2016/NĐ-CP quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng |
Dịch vụ vận tải đa phương thức | Nghị định 44/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định về vận tải đa phương thức |
Ví dụ, một công ty logistics cung cấp các dịch vụ vận tải đa phương thức và dịch vụ đại lý làm thủ tục hải quan thì công ty phải được thành lập theo đúng quy định của Luật Hải quan 2014 và Nghị định 44/2018/NĐ-CP.
>> Xem thêm: Điều kiện kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển
“Thương nhân tiến hành một phần hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh logistics bằng phương tiện điện tử có kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác, ngoài việc phải đáp ứng theo quy định của pháp luật đối với các dịch vụ cụ thể quy định tại Điều 3 Nghị định này, còn phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử.”
Theo đó, với những công ty kinh doanh dịch vụ logistics có sử dụng phương tiện điện tử kết nối mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác thì ngoài các điều kiện về ngành nghề kinh doanh có điều kiện nêu trên, công ty phải đáp ứng các quy định về thương mại điện tử của pháp luật. Những quy định này được nêu ra trong Luật Thương mại 2005, Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Thông tư 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử.
>> Xem thêm: Đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
2. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ logistics
Thương nhân Việt Nam nếu đáp ứng các điều kiện trên có thể tiến hành đăng ký thành lập công ty kinh doanh dịch vụ logistics theo trình tự, thủ tục sau đây:
Bước 1: Nộp hồ sơ thành lập doanh nghiệp theo mẫu của Sở Kế hoạch và Đầu tư
Hồ sơ bao gồm:
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
- Điều lệ công ty;
- Danh sách thành viên hoặc cổ đông công ty (nếu là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần);
- Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực:
- Giấy CMND, còn hiệu lực hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân;
- Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (công dân Việt Nam: thẻ căn cước công dân, chứng minh thư còn hiệu lực và người nước ngoài: hộ chiếu còn hiệu lực) của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
- Quyết định góp vốn đối với thành viên là tổ chức
Bước 2: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp (nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và thông tin về ngành, nghề kinh doanh của công ty) trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Bước 3: Khắc dấu và thông báo mẫu con dấu của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Sau khi được thành lập, doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục xin giấy phép kinh doanh một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện của dịch vụ Logistics mà doanh nghiệp cung cấp.
Bước 4: Xin giấy phép
Đối với những công ty kinh doanh dịch vụ logistics có các mã ngành nghề thuộc danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện như trên, trước khi đi vào hoạt động doanh nghiệp cần phải làm thủ tục xin giấy phép. Tùy thuộc vào mã ngành nghề mà các loại giấy phép cũng khác nhau, trong đó có thể kể đến:
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các mã ngành có yêu cầu về cơ sở hạ tầng, phương tiện kỹ thuật, phương tiện vận tải,…
- Chứng chỉ hành nghề đối với nhân viên (nhân viên đại lý làm thủ tục hải quan đối với dịch vụ làm đại lý thủ tục hải quan, giám định viên đối với dịch vụ kiểm định hàng hóa, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe đối với các mã ngành giao thông vận tải,…)
- Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp nếu có hoạt động dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế
Sau khi đã được cấp đầy đủ giấy phép, doanh nghiệp có thể chính thức đi vào hoạt động.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về Điều kiện và thủ tục thành lập công ty kinh doanh dịch vụ logistics xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần theo pháp luật
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần như thế nào ? Những lưu ý sơ đồ tổ chức của công ty cổ phần theo quy định [...]
Điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất
Điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản theo quy định. Hướng dẫn chi tiết mở thủ tục phá sản doanh nghiệp theo [...]