Khế ước có được coi là giao dịch dân sự không?
Khế ước là gì? Khế ước có được coi là giao dịch dân sự không? Hiện nay giao dịch dân được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khế ước có được coi là giao dịch dân sự không?
Hiện nay, chưa có khái niệm cụ thể về khế ước, nhưng có thể hiểu: Khế ước là một loại hợp đồng, khi xác lập khế ước sẽ phát sinh quyền và nghĩa vụ các bên. Khế ước được thực hiện trên nguyên tắc trung thực, hợp tác, có lợi nhất cho các bên, bảo đảm được sự tin cậy lẫn nhau, không xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác.
Khế ước lần đầu tiên được xuất hiện trong Sắc lệnh 97/SL của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ngày 22/5/1950 tại Điều 13 Sắc lệnh 97/SL quy định:
Khi lập ước mà có sự tổn thiệt do sự bóc lột của một bên vì điều kiện kinh tế của hai bên chênh lệch thì khế ước có thể coi là vô hiệu.
Khế ước là khái niệm trong dân luật để chỉ những giao dịch dân sự dựa trên thỏa thuận giữa các bên.
Trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, khế ước là thuật ngữ được sử dụng phổ biến ở thời kỳ trước và sau khi giành độc lập dân tộc năm 1945, do ảnh hưởng của thuật ngữ pháp lý trong luật dân sự của Pháp như trong dân pháp điển Bắc Kỳ, dân pháp điển Trung Kỳ, pháp quy giản yếu năm 1883 thi hành ở Nam Kỳ.
Như vậy, khế ước là giao dịch dân sự được thiết lập trên cơ sở thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Nói một cách trực tiếp, khế ước là hợp đồng.
Quy định về giao dịch dân sự hiện nay
Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó. (Điều 118 Bộ luật Dân sự 2015)
Theo đó, tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định giao dịch dân sự có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Giao dịch dân sự vô hiệu khi không đáp ứng được điều kiện nêu trên, trừ trường hợp luật có quy định khác (Điều 122 Bộ luật Dân sự 2015).
Tại Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 quy định hình thức giao dịch dân sự bao gồm:
Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.
Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.
>>Xem thêm: Thế nào là vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài?
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Diện và hàng thừa kế theo quy định của Bộ luật dân sự 2015
Diện và hàng thừa kế là tiêu chí để xác định việc phân chia di sản của người chết. Vậy diện và hàng thừa kế được [...]
Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản
Quyền chiếm hữu của người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản được pháp luật dân sự quy định thế nào? [...]