Quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng có thể bị xử lý hình sự?
Hành vi quay lén phim chiếu rạp rồi đăng lên mạng thì bị xử lý thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Hành vi quay lén phim chiếu rạp là hành vi xâm phạm quyền tác giả
Theo điểm e khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009) thì phim chiếu rạp được xem là loại hình tác phẩm điện ảnh và được bảo hộ quyền tác giả theo quy định.
Theo khoản 2 Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) và điểm c khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022) thì hành vi sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào là hành vi xâm phạm quyền tài sản của quyền tác giả.
Lưu ý: Theo điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022), chủ sở hữu quyền tác giả không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi sau đây:
- Sao chép tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này;
- Sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại.
Như vậy, hành vi quay lén, sao chép phim chiếu rạp trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bộ phim bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào là hành vi xâm phạm quyền tài sản của quyền tác giả trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2022).
Quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng có thể bị xử lý hình sự
Hành vi quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng sẽ bị xử lý theo quy định sau:
Xử phạt hành chính với hành vi quay lén phim chiếu rạp tung lên mạng
Hành vi quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng nếu chưa đủ mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt hành chính từ 15 – 35 triệu đồng với cá nhân vi phạm theo Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP (sửa đổi Nghị định 28/2017/NĐ-CP).
Đồng thời, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm.
Lưu ý: Nếu tổ chức có hành vi vi phạm tương tự thì phạt gấp 02 lần so với cá nhân theo khoản 2 Điều 2 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.
Truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng
Nếu hành vi quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:
Khung 1:
Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý thực hiện một trong các hành vi sau đây, xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
Hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:
- Sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình;
- Phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình.
Khung 2
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- Có tổ chức;
- Phạm tội 02 lần trở lên;
- Thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên;
- Gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan 500 triệu đồng trở lên;
- Hàng hóa vi phạm trị giá 500 triệu đồng trở lên.
Hình phạt bổ sung:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội
Pháp nhân thương mại phạm tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị xử phạt như sau:
♣ Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khung 1 với quy mô thương mại hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng;
Hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 01 tỷ đồng;
♣ Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khung 2, thì bị phạt tiền từ 01 tỷ đồng đến 03 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 02 năm;
♣ Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
>>Xem thêm: Người đã nghỉ hưu có bị xử lý hành vi tham nhũng không?
Trên đây là bài viết về: Quay lén phim chiếu rạp rồi tung lên mạng có thể bị xử lý hình sự?. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Xử phạt hành vi trồng cây thuốc phiện cần sa
Hiện nay vẫn còn nhiều địa phương còn trồng cây thuốc phiện, cây cần sa. Nhà nước đã có những biện pháp xử lý để [...]
Giết con mới đẻ chỉ bị phạt tối đa 3 năm tù, vì sao?
Giết con mới đẻ chỉ bị phạt tối đa 3 năm tù có quá nhẹ so với tính chất và mức độ nghiêm trọng của hành vi? Hãy [...]