Trình tự xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung
Thức ăn chăn nuôi bổ sung là gì ? Trình tự, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung.
Thức ăn chăn nuôi bổ sung là gì ?
Theo Khoản 28 Điều 2 Luật chăn nuôi 2018 quy định về thức ăn chăn nuôi bổ sung:
“Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.”
Theo Điểm a Khoản 1 Điều 10 quy định cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung:
“Cục Chăn nuôi cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi đối với cơ sở sản xuất thức ăn bổ sung; cơ sở sản xuất đồng thời thức ăn bổ sung và thức ăn chăn nuôi khác; cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi xuất khẩu theo đề nghị của bên nhập khẩu.”
Hồ sơ đề nghị cấp GCN đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung
Hồ sơ bao gồm:
1. Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (Mẫu số 01.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
2. Bản thuyết minh điều kiện sản xuất (Mẫu số 02.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
3. Quy trình kiểm soát chất lượng của cơ sở sản xuất (Mẫu số 03.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 13/2020/NĐ-CP).
4. Bản tóm tắt quy trình sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trình tự đề nghị cấp GCN đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung
Trình tự thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung được quy định như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ về Cục chăn nuôi qua 03 phương thức sau:
- Trực tiếp tại Cục chăn nuôi.
- Qua dịch vụ bưu chính.
- Qua cổng dịch vụ công của Cục chăn nuôi: http://cucchannuoi.gov.vn/.
Số lượng hồ sơ: 01 bộ.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ và đánh giá điều kiện thực tế tại cơ sở
Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu: Cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
- Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu: Trong thời hạn 20 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và lập Biên bản (Mẫu số 05.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP)
Bước 3: Nhận kết quả
♣ Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện:
Trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).
♣ Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện:
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi (Mẫu số 06.TACN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định số 13/2020/NĐ-CP)
Trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
>>Xem thêm: Trình tự thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi
Trên đây là bài viết về Trình tự xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất thức ăn chăn nuôi bổ sung. Để tránh các rủi ro pháp lý vui lòng liên hệ với Lawkey – nơi cung cấp dịch vụ thành lập công ty uy tín tại Hà Nội.
06 việc cần làm ngay sau khi đổi tên công ty
Pháp luật quy định về việc đổi tên công ty như thế nào? Sau khi đổi tên công ty cần phải làm những công việc gì? Hãy [...]
Chuyển đổi hộ kinh doanh thành công ty hợp danh
Công ty hợp danh là kết hợp được uy tín cá nhân của nhiều người. Do chế độ liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của [...]