Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì ? Khi nào tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự ? Những trường hợp nào không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ? Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Truy cứu trách nhiệm hình sự là gì ?
Căn cứ vào nội dung của Bộ luật hình sự 2015 thì Truy cứu trách nhiệm hình sự là buộc người phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội mà họ đã thực hiện. Hay nói cách khác là áp dụng các biện pháp tố tụng hình sự qua các giai đoạn từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can, đến điều tra, truy tố và xét xử để buộc người đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Bộ luật hình sự quy định là tội phạm phải chịu trách nhiệm về hành vi ấy, tức là phải chịu hình phạt. Người có khả năng nhận thức hành vi của mình, có khả năng điều khiển được hành vi đó là người có năng lực trách nhiệm hình sự và sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự nếu người đó thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Khi nào tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự được tiến hành trên cơ sở chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong Bộ luật hình sự.
Những trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự ?
– Người thực hiện hành vi phạm tội nhưng thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự đã hết (Điều 27 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 nhưng bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết không yêu cầu khởi tố (Khoản 1 Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015)
– Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa đến tuổi chịu trách nhiêm hình sự thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. (Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015).
– Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố (bao gồm bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết) rút yêu cầu thuộc các trường hợp khởi tố theo yêu cầu của bị hại quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155 và 226 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức. Điều này có nghĩa người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự (Khoản 2 Điều 155 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
– Trường hợp đã hết thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can đã thực hiện tội phạm (Điểm b khoản 1 Điều 230 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015).
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự ?
Điều 27 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
1. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là thời hạn do Bộ luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
a) 05 năm đối với tội phạm ít nghiêm trọng;
b) 10 năm đối với tội phạm nghiêm trọng;
c) 15 năm đối với tội phạm rất nghiêm trọng;
d) 20 năm đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện. Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội lại thực hiện hành vi phạm tội mới mà Bộ luật này quy định mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy trên 01 năm tù, thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện hành vi phạm tội mới.
Nếu trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này, người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã, thì thời hiệu tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
>>Xem thêm: Tội phạm là gì? Phân loại tội phạm theo Bộ luật Hình sự
Trên đây là bài viết về truy cứu trách nhiệm hình sự LawKey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép
Tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép bị xử lý hình sự như thế [...]
Xử lý thế nào khi doanh nghiệp đang tham gia tố tụng mà bị giải thể?
Trường hợp doanh nghiệp đang tham gia tố tụng mà bị giải thể thì xử lý thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết [...]