Một số vấn đề về ủy quyền đối với người chấp hành hình phạt tù
Người chấp hành hình phạt tù có được uỷ quyền cho người khác giải quyết các vụ, việc dân sự hay mua bán tài sản bên ngoài không? Ủy quyền đối với người chấp hành hình phạt tù được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người chấp hành hình phạt tù có được ủy quyền cho người khác giải quyết các vụ án dân sự không?
Hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về khái niệm vụ án dân sự, nhưng có thể hiểu: Vụ án dân sự là việc giải quyết tranh chấp về các vấn đề dân sự giữa cá nhân, tổ chức này với cá nhân, tổ chức khác; có nguyên đơn và bị đơn; Tòa án giải quyết trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của người có quyền và buộc người có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ.
Theo khoản 1 Điều 68 Luật tố tụng dân sự 2015 quy định đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo khoản 1 và khoản 2 Điều 69 Luật Tố tụng dân sự 2015 thì năng lực hành vi tố tụng dân sự là khả năng tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
Ngoài ra, theo Điều 27 Luật thi hành án hình sự 2019 về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt tù cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự của người chấp hành án phạt tù.
Như vậy, theo dẫn chiếu ở các quy định trên, người chấp hành hình phạt tù vẫn được coi là đương sự trong vụ án dân sự và có năng lực hành vi tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật. Do đó, người chấp hành hình phạt tù vẫn được ủy quyền cho người khác giải quyết vụ án dân sự.
Người chấp hành hình phạt tù có được ủy quyền cho người khác giải quyết các việc dân sự không?
Cũng như vụ án dân sự, hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về khái niệm việc dân sự, nhưng có thể hiểu: Việc dân sự được hiểu là việc riêng của cá nhân, tổ chức, không có nguyên đơn, bị đơn mà chỉ có người yêu cầu Tòa án giải quyết, từ yêu cầu của đương sự, Tòa án công nhận quyền và nghĩa vụ cho họ.
Theo khoản 1 Điều 68 Luật tố tụng dân sự 2015 quy định đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cũng giống như ở Mục 1, Điều 27 Luật thi hành án hình sự 2019 về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt tù cũng chưa có quy định cụ thể nào về việc hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự của người chấp hành án phạt tù cũng như việc người chấp hành hình phạt tù không được ủy quyền cho người khác giải quyết việc dân sự.
Do đó, người chấp hành hình phạt tù vẫn được ủy quyền cho người khác giải quyết các việc dân sự, trừ các trường hợp sau:
Đăng ký kết hôn;
Ly hôn;
Đăng ký nhận cha, mẹ, con;
Công chứng di chúc của mình;
Quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc;
Đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền.
Người chấp hành hình phạt tù có được ủy quyền cho người khác mua bán tài sản bên ngoài không?
Theo quy định pháp luật tại Điểm e Khoản 1 Điều 27 Luật Thi hành án hình sự 2019 về Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân, thì:
“1. Phạm nhân có các quyền sau đây:…
e) Được tự mình hoặc thông qua người đại diện để thực hiện giao dịch dân sự theo quy định của pháp luật…”
Căn cứ tiếp các quy định về đại diện tại Điều 134, Điều 135, Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015, chúng ta có thể hiểu rằng ủy quyền là việc giao cho một người khác thay mặt mình sử dụng quyền mà mình có được một cách hợp pháp để thực hiện các giao dịch mà pháp luật không cấm.
Theo đó, Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể về quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện như sau:
Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập thực hiện.
Tổng hợp nội dung các quy định trên cho thấy pháp luật không đề cập đến việc người đang chấp hành hình phạt tù thì không được ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự đồng nghĩa rằng người chấp hành án phạt tù vẫn được xác lập giao dịch dân sự.
>>Xem thêm: Nguyên tắc bồi thường bảo hiểm của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba
Trên đây là nội dung bài viết của chúng tôi về: Một số vấn đề về ủy quyền đối với người chấp hành hình phạt tù. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết nhất.

Nội dung quy định của pháp luật thi hành án dân sự Việt Nam về kê biên tài sản chung
Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản chung trong thi hành án dân sự là một hình thức sử dụng quyền lực [...]

Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật
Nội dung của quan hệ pháp luật dân sự là tổng hợp các quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia vào các quan hệ dân sự [...]