Bản thảo, bản gốc, bản chính và bản sao văn bản là gì?
Bản thảo, bản gốc, bản chính và bản sao văn bản là gì theo quy định tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Văn bản là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định: Văn bản là thông tin thành văn được truyền đạt bằng ngôn ngữ hoặc ký hiệu, hình thành trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức và được trình bày đúng thể thức, kỹ thuật theo quy định.
Bản thảo văn bản là gì?
Theo khoản 7 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định: Bản thảo văn bản là bản được viết hoặc đánh máy hoặc tạo lập bằng phương tiện điện tử hình thành trong quá trình soạn thảo một văn bản của cơ quan, tổ chức.
Bản gốc văn bản là gì?
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì bản gốc văn bản là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được người có thẩm quyền trực tiếp ký trên văn bản giấy hoặc ký số trên văn bản điện tử.
Bản chính văn bản
Theo khoản 9 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP thì bản chính văn bản giấy là bản hoàn chỉnh về nội dung, thể thức văn bản, được tạo từ bản có chữ ký trực tiếp của người có thẩm quyền.
Bản sao văn bản
Theo khoản 10, 11 và 12 Điều 3 Nghị định 30/2020/NĐ-CP định nghĩa về 03 khái niệm liên quan đến bản sao văn bản như sau:
- Bản sao y là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản gốc hoặc bản chính văn bản, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.
- Bản sao lục là bản sao đầy đủ, chính xác nội dung của bản sao y, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.
- Bản trích sao là bản sao chính xác phần nội dung của bản gốc hoặc phần nội dung của bản chính văn bản cần trích sao, được trình bày theo thể thức và kỹ thuật quy định.
Thể thức văn bản hành chính
Thể thức văn bản hành chính theo Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP như sau:
♦ Thể thức văn bản là tập hợp các thành phần cấu thành văn bản, bao gồm những thành phần chính áp dụng đối với tất cả các loại văn bản và các thành phần bổ sung trong những trường hợp cụ thể hoặc đối với một số loại văn bản nhất định.
♦ Thể thức văn bản hành chính bao gồm các thành phần chính
- Quốc hiệu và Tiêu ngữ.
- Tên cơ quan, tổ chức ban hành văn bản.
- Số, ký hiệu của văn bản.
- Địa danh và thời gian ban hành văn bản.
- Tên loại và trích yếu nội dung văn bản.
- Nội dung văn bản.
- Chức vụ, họ tên và chữ ký của người có thẩm quyền.
- Dấu, chữ ký số của cơ quan, tổ chức.
- Nơi nhận.
♦ Ngoài các thành phần quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 30/2020/NĐ-CP, văn bản có thể bổ sung các thành phần khác
- Phụ lục.
- Dấu chỉ độ mật, mức độ khẩn, các chỉ dẫn về phạm vi lưu hành.
- Ký hiệu người soạn thảo văn bản và số lượng bản phát hành.
- Địa chỉ cơ quan, tổ chức; thư điện tử; trang thông tin điện tử; số điện thoại; số Fax.
♦ Thể thức văn bản hành chính được thực hiện theo quy định tại Phụ lục I Nghị định 30/2020/NĐ-CP.
Quy định về soạn thảo văn bản hành chính
Theo Điều 10 Nghị định 30/2020/NĐ-CP quy định về soạn thảo văn bản hành chính như sau:
♦ Căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mục đích, nội dung của văn bản cần soạn thảo, người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền giao cho đơn vị hoặc cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản.
♦ Đơn vị hoặc cá nhân được giao chủ trì soạn thảo văn bản thực hiện các công việc: Xác định tên loại, nội dung và độ mật, mức độ khẩn của văn bản cần soạn thảo; thu thập, xử lý thông tin có liên quan; soạn thảo văn bản đúng hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày.
Đối với văn bản điện tử, cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản ngoài việc thực hiện các nội dung nêu trên phải chuyển bản thảo văn bản, tài liệu kèm theo (nếu có) vào Hệ thống và cập nhật các thông tin cần thiết.
♦ Trường hợp cần sửa đổi, bổ sung bản thảo văn bản, người có thẩm quyền cho ý kiến vào bản thảo văn bản hoặc trên Hệ thống, chuyển lại bản thảo văn bản đến lãnh đạo đơn vị chủ trì soạn thảo văn bản để chuyển cho cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản.
♦ Cá nhân được giao nhiệm vụ soạn thảo văn bản chịu trách nhiệm trước người đứng đầu đơn vị và trước pháp luật về bản thảo văn bản trong phạm vi chức trách, nhiệm vụ được giao.
>>Xem thêm: Các hành vi vi phạm làm sai lệch hoặc hủy hoại di sản văn hóa
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quy định về thủ tục lập vi bằng năm 2024
Thực hiện thủ tục lập vi bằng như thế nào theo quy định của pháp luật? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]
Người có thẩm quyền cho phép sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước là ai?
Việc sao, chụp tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước do ai có thẩm quyền cho phép thực hiện? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài [...]