Quy định về chế độ thai sản cho nam khi vợ không tham gia BHXH
Chế độ thai sản cho nam khi vợ không tham gia BHXH 2024 được quy định thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Điều kiện và mức trợ cấp một lần khi vợ sinh con
Theo khoản 2 Điều 9 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH quy định đối với trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội thì cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Việc xác định thời gian 12 tháng trước khi sinh con đối với người lao động nam hưởng trợ cấp một lần khi vợ sinh con thực hiện như sau:
- Trường hợp vợ sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
- Trường hợp sinh con từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con. Trường hợp tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Mức trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ sinh con. Theo quy định tại Nghị đinh 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở hiện tại là 1.800.000 đồng/tháng. Do đó, mức trợ cấp một lần cho mỗi con là 3.600.000 đồng.
Thời gian hưởng chế độ thai sản khi vợ không tham gia BHXH
Theo khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
- 05 ngày làm việc;
- 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
- Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
- Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản quy định tại khoản này được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì trường hợp chỉ có cha tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con hoặc gặp rủi ro sau khi sinh mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con theo xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì cha được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
Lưu ý: Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng được tính là thời gian đóng bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng chế độ thai sản cho nam khi vợ không tham gia BHXH
(1) Đối với trường hợp quy định tại Khoản 6 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 06 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 06 tháng thì mức hưởng chế độ thai sản là mức bình quân tiền lương tháng của các tháng đã đóng bảo hiểm xã hội.
(2) Đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014:
Mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng chế độ thai sản theo tháng chia cho 24 ngày. Công thức tính có thể xác định như sau:
Mức hưởng = (Bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ chế độ thai sản) : (24 ngày) x (Số ngày nghỉ hưởng chế độ thai sản)
Lưu ý: Mức hưởng chế độ thai sản của người lao động không được điều chỉnh khi Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu vùng.
Trình tự thực hiện thủ tục hưởng chế độ thai sản
Thủ tục hưởng chế độ thai sản được quy định như sau:
Bước 1: Lập, nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản
♣ Đối với người hưởng, cần chuẩn bị hồ sơ hưởng chế độ thai sản như sau:
- Trường hợp (1) người hưởng là người lao động đang đóng bảo hiểm xã hội: Lập hồ sơ theo quy định; nộp cho đơn vị sử dụng lao động trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày trở lại làm việc.
- Trường hợp (2) người hưởng là người sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian bảo lưu thời gian đóng BHXH do đã thôi việc, phục viên, xuất ngũ trước thời điểm sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi (áp dụng cho cả trường hợp sinh con, nhận con, nhận nuôi con nuôi trong thời gian đang đóng BHXH kể từ ngày 01/01/2018 trở đi nhưng đã thôi việc tại đơn vị mà có nguyện vọng nộp hồ sơ hưởng chế độ tại cơ quan BHXH): Lập hồ sơ theo quy định; nộp hồ sơ và xuất trình sổ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú.
♣ Đối với đơn vị sử dụng lao động: Tiếp nhận hồ sơ từ người lao động; lập Danh sách đề nghị giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK (mẫu 01B-HSB) trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định; nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đơn vị sử dụng lao động đóng bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Cơ quan bảo hiểm xã hội tiếp nhận hồ sơ hưởng chế độ thai sản và giải quyết theo quy định
Bước 3: Nhận kết quả giải quyết hưởng chế độ thai sản
Đơn vị sử dụng lao động: Nhận Danh sách giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp DSPHSK (mẫu C70a-HD) và tiền trợ cấp để chi trả cho người lao động đăng ký nhận tiền mặt tại đơn vị sử dụng lao động.
Người hưởng: nhận tiền trợ cấp.
>>Xem thêm: Báo tăng lao động tham gia bảo hiểm xã hội mới nhất
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về: Quy định về chế độ thai sản cho nam khi vợ không tham gia BHXH. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Giải quyết yêu cầu của tập thể lao động khi ngừng đình công
Khi có quyết định ngừng đình công, tập thể lao động phải chấm dứt việc đình công. Vậy thì phải giải quyết yêu cầu [...]
Trình tự hỗ trợ huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
Để đảm bảo an toàn trong quá trình làm việc, người sử dụng lao động được hỗ trợ chi phí huấn luyện về an toàn vệ [...]