Quy định về thủ tục đăng ký xuất bản với tác phẩm xin tái bản
Tái bản là gì? Thủ tục đăng ký xuất bản với tác phẩm xin tái bản được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Tái bản là gì?
Hiện nay, các văn bản pháp luật có liên quan chưa có quy định nào giải thích thuật ngữ tái bản. Tuy nhiên có thể hiểu: Tái bản là trên cơ sở những tác phẩm, tài liệu đã được xuất bản trước đó sẽ được nhà xuất bản in lại lần nữa theo bản cũ hoặc có sửa chữa, bổ sung.
Hồ sơ đăng ký xuất bản với tác phẩm xin tái bản
Hồ sơ đăng ký xuất bản gồm có:
1. Bản đăng ký, trong đó có tóm tắt về đề tài, chủ đề và nội dung của từng tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản, các thông tin khác theo mẫu do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định;
2. Văn bản thẩm định nội dung đối với tác phẩm, tài liệu thuộc loại phải thẩm định.
Thủ tục đăng ký xuất bản với tác phẩm xin tái bản
Thủ tục đăng ký xuất bản được quy định cụ thể như sau:
Bước 1: Xin chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả
Việc xuất bản tác phẩm, tài liệu và tái bản xuất bản phẩm chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
Bước 2: Đăng ký xuất bản và xác nhận đăng ký xuất bản
Trước khi xuất bản tác phẩm, tài liệu hoặc tái bản xuất bản phẩm, nhà xuất bản phải đăng ký xuất bản với Bộ Thông tin và Truyền thông theo mẫu quy định. Nội dung đăng ký xuất bản phải phù hợp với tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của nhà xuất bản.
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đăng ký xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông phải xác nhận đăng ký xuất bản bằng văn bản, cấp số xác nhận đăng ký xuất bản từng tác phẩm, tài liệu hoặc xuất bản phẩm tái bản và cấp mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN); trường hợp không xác nhận đăng ký phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.
Trong quá trình xác nhận đăng ký, Bộ Thông tin và Truyền thông có quyền yêu cầu nhà xuất bản thẩm định hoặc giải trình về tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản để xác nhận đăng ký.
Văn bản xác nhận đăng ký xuất bản là căn cứ để nhà xuất bản ra quyết định xuất bản đối với từng tác phẩm, tài liệu, xuất bản phẩm tái bản. Thời hạn để ra quyết định xuất bản chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm xác nhận đăng ký; trường hợp không thực hiện việc xuất bản, nhà xuất bản phải báo cáo với Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 31 tháng 3 của năm liền sau năm xác nhận đăng ký và số xác nhận đăng ký xuất bản, mã số sách tiêu chuẩn quốc tế (ISBN) đã được cấp không còn giá trị thực hiện.
(Điều 21 và 22 Luật Xuất bản 2012, Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP)
Các trường hợp từ chối đăng ký xuất bản với tác phẩm xin tái bản
Bộ Thông tin và Truyền thông từ chối xác nhận đăng ký xuất bản trong các trường hợp sau đây:
- Tác phẩm, tài liệu đăng ký xuất bản, xuất bản phẩm đăng ký tái bản có tranh chấp về quyền tác giả và quyền liên quan;
- Tác phẩm, tài liệu và xuất bản phẩm liên kết xuất bản, tái bản của đối tác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm trong hoạt động xuất bản từ 02 (hai) lần trở lên trong thời gian 12 tháng, kể từ ngày bị xử phạt lần đầu hoặc đối tác liên kết không đủ điều kiện liên kết, không chấp hành yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo quy định;
- Các trường hợp khác do Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định.
(Khoản 7 Điều 10 Nghị định 195/2013/NĐ-CP)
Các tác phẩm phải thẩm định nội dung trước khi tái bản
Những tác phẩm, tài liệu bao gồm:
Tác phẩm, tài liệu xuất bản trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945; tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1945 đến năm 1954 trong vùng bị tạm chiếm;
Tác phẩm, tài liệu xuất bản từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 ở miền Nam Việt Nam không do Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cho phép;
Tác phẩm, tài liệu xuất bản ở nước ngoài.
Nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định trước khi đăng ký xuất bản để tái bản nếu nội dung có dấu hiệu vi phạm quy định như sau:
Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;
Tuyên truyền kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục;
Tiết lộ bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác do pháp luật quy định;
Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc; không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
(Điều 24 Luật Xuất bản 2012)
>>Xem thêm: Việt Nam có bảo hộ nhãn hiệu âm thanh không?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Quy định về giới hạn quyền sở hữu công nghiệp
Chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp là chủ thể quyền sở hữu công nghiệp và được hưởng các quyền theo pháp luật [...]
Thủ tục đăng ký mã số mã vạch sản phẩm của doanh nghiệp
Thủ tục đăng ký mã số mã vạch như thế nào ? Các lưu ý khi đăng ký mã vạch, mã số theo quy định pháp luật. Dịch vụ [...]