Giám hộ là gì? Quy định về người giám hộ và người được giám hộ
Giám hộ là chế định mang tính tổng hợp của nhiều ngành luật. Vậy pháp luật dân sự quy định giám hộ là gì? Người được giám hộ và người giám hộ là ai?
Giám hộ là gì?
Người chưa thành niên không còn cha, mẹ; cha, mẹ mất năng lực hành vi hay bị hạn chế năng lực hành vi, bị hạn chế quyền của cha, mẹ; cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc.
Ngoài ra, chế định giám hộ điều chỉnh các quan hệ với mục đích nhằm khắc phục tình trạng không tương đồng giữa sự bình đẳng về năng lực pháp luật với không bình đẳng về năng lực hành vi dân sự của những người có năng lực hành vi một phần, những người không có năng lực hành vi, bị mất năng lực hành vi.Những quy định của chế định này xác định việc quản lí tài sản, thực hiện các quyền và nghĩa vụ về tài sản của người được giám hộ. Ngoài ra, chế định giám hộ còn có những quy định mang tính hành chính như các quan hệ về cử người giám hộ, giám sát việc giám hộ…
Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức hoặc cơ quan nhà nước được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ ( Khoản 1 Điều 58 Bộ luật dân sự 2015).
Như vậy, giám hộ là chế định nhằm khắc phục tình trạng của người có năng lực pháp luật dân sự nhưng không thể bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện được quyền, nghĩa vụ của họ vì họ là những người chưa thành niên mà không có sự chăm sóc, giáo dục của cha mẹ, người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi, người mất năng lực hành vi dân sự.
Người được giám hộ là ai?
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 BLDS thì người được giám hộ bao gồm:
– Người chưa thành niên không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu;
– Người mất năng lực hành vi dân sự.
Theo quy định này thì những người giám hộ có thể phân chia thành các nhóm sau:
– Những người bắt buộc phải có người giám hộ bao gồm: người mất năng lực hành vi dân sự; người dưới 15 tuổi không còn cha, mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị toà án hạn chế quyền của cha, mẹ.
– Người được giám hộ theo yêu cầu của cha, mẹ khi cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên.
– Những người từ 15 đến dưới 18 tuổi không bắt buộc phải có người giám hộ nếu họ phát triển bình thường về thể chất.
Quy định về người giám hộ
Trong chế định giám hộ không đề cập tư cách giám hộ của cha, mẹ với con chưa thành niên nhưng có thể suy đoán mặc nhiên vai trò của cha, mẹ đối với các con với tư cách là người đại điện đương nhiên cho con chưa thành niên. Các quy định về giám hộ đối với người chưa thành niên chỉ được áp dụng khi không còn cha, mẹ hoặc cha, mẹ đều bị mất năng lực hành vi, bị hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc không có điều kiện để chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó.
Theo quy định của pháp luật, hai hình thức giám hộ là giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử.
Giám hộ đương nhiên
Giám hộ đương nhiên là hình thức giám hộ do pháp luật quy định, người giám hộ đương nhiên chỉ có thể là cá nhân. Quan hệ giám hộ dạng này được xác định bằng các quy định về người giám hộ, người được giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ đối với người được giám hộ và tài sản của họ.
Giám hộ được cử
Giám hộ được cử là hình thức cử người giám hộ theo trình tự do pháp luật quy định, cá nhân, cơ quan, tổ chức đều có thể trở thành người giám hộ được cử.
Người giám hộ có thể là cá nhân, cơ quan, tổ chức được pháp luật quy định hoặc được cử làm người giám hộ. Pháp luật không quy định điều kiện của cơ quan, tổ chức khi làm giám hộ phải là cơ quan tổ chức nào nhưng có thể suy đoán bất cứ cơ quan, tổ chức hợp pháp nào cũng đều có thể là người giám hộ.
Lưu ý, Một người có thể giám hộ cho nhiều người, nhưng một người chỉ có thể được một người giám hộ, trừ trường hợp người giám hộ là cha, mẹ hoặc ông, bà theo quy định dưới đây:
– Trong trường hợp không có anh ruột, chị ruột hoặc anh ruột, chị ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại là người giám hộ; nếu không có ai trong số những người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ.
– Trong trường hợp người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà vợ, chồng, con đều không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của người giám hộ
Điều kiện của cá nhân làm người giám hộ
Cá nhân là người giám hộ phải có các điều kiện được quy định ở Điều 60 BLDS. Các điều kiện đó là:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Có tư cách đạo đức tốt; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
– Có điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện việc giám hộ.
Tuy điều luật này không quy định rõ điều kiện cần thiết này là gì nhưng có thể hiểu đó là điều kiện kinh tế và điều kiện thực tế khác (sinh sống cùng nơi cư trú hoặc cho người được giám hộ cùng cư trú, sinh sống với mình hoặc có thể thường xuyên giám sát, quản lí được người được giám hộ).
Xem thêm: Điều kiện chung đối với người giám hộ là gì?
Trên đây là nội dung Giám hộ là gì? Quy định về người giám hộ và người được giám hộ Lawkey gửi đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ Lawkey.
Giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm cho tổ chức và cá nhân
Giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) được cấp bởi những cá nhân, tổ chức có kiến thức chuyên ngành. Vậy điều [...]
Có thể làm lại giấy khai sinh cho người đã chết hay không?
Có thể làm lại giấy khai sinh cho người đã chết hay không? Thủ tục đề nghị cấp bản sao trích lục giấy khai sinh được [...]