Mức phạt nộp chậm tờ khai thuế của doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Mức phạt nộp chậm các tờ khai thuế của doanh nghiệp như thế nào? Thời hạn nộp tờ khai thuế của doanh nghiệp theo quy định.
Những loại tờ khai thuế mà doanh nghiệp phải nộp
Doanh nghiệp phải nộp tờ khai thuế theo tháng, theo quý, theo năm và các lần phát sinh.
Các loại tờ khai thuế phải nộp hàng tháng
Căn cứ khoản 1 điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP các loại thuế, khoản thu kê khai theo tháng bao gồm:
– Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (trừ khi đáp ứng điều kiện kê khai theo quý thì được kê khai theo quý).
– Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) (trừ khi đáp ứng điều kiện kê khai theo quý thì được kê khai theo quý).
– Thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên đối với hoạt động khai thác, xuất bán dầu khí thiên nhiên).
– Các khoản phí,lệ phí thuộc ngân sách nhà nước.
– Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn
Căn cứ điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC, doanh nghiệp thuộc trường hợp dưới đây có trách nhiệm nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo tháng kể cả trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn: doanh nghiệp sử dụng hóa đơn tự in, đặt in có hành vi vi phạm không được sử dụng hóa đơn tự in, đặt in, doanh nghiệp thuộc loại rủi ro cao về thuế thuộc diện mua hóa đơn của cơ quan thuế theo hướng dẫn tại Điều 11 Thông tư 39/2014/TT-BTC thực hiện nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo tháng.
Các loại tờ khai thuế phải khai hàng Quý
Căn cứ khoản 2 điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo quý, bao gồm:
– Thuế thu nhập doanh nghiệp đối với hãng hàng không nước ngoài, tái bảo hiểm nước ngoài.
– Thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức tín dụng hoặc bên thứ ba được tổ chức tín dụng ủy quyền khai thác tài sản bảo đảm trong thời gian chờ xử lý khai thay cho người nộp thuế có tài sản bảo đảm.
– Thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện khấu trừ thuế theo quy định của pháp luật thuế thu nhập cá nhân, mà tổ chức, cá nhân trả thu nhập đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý; cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế và lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý.
– Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân mà tổ chức, cá nhân đó thuộc diện khai thuế giá trị gia tăng theo quý và lựa chọn khai thuế thay cho cá nhân theo quý, trừ trường hợp thuế thu nhập cá nhân do cá nhân trực tiếp khai thuế hoặc tổ chức, cá nhân khai thuế thay, nộp thuế thay đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; thu nhập từ đầu tư vốn; thu nhập từ bản quyền, nhượng quyền thương mại, trúng thưởng từ nước ngoài; thu nhập từ nhận thừa kế, quà tặng.
– Khoản phụ thu khi giá dầu thô biến động tăng (trừ hoạt động dầu khí của Liên doanh Vietsovpetro tại Lô 09.1).
– Báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn (Căn cứ điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC)
Xem thêm: Tờ khai thuế phải nộp theo tháng quý
Các loại tờ khai thuế khai theo năm
Căn cứ điểm b khoản 3 điều 43 luật quản lý thuế các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo năm, bao gồm:
- Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp:
– Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp;
– Báo cáo tài chính, căn cứ vào khoản 3 điều 29 luật kế toán 2015, Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
- Hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân;
- Lệ phí môn bài, (căn cứ vào điểm a khoản 3 điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP)
Đây là những tờ khai phải nộp trong năm của doanh nghiệp, nếu nộp chậm hoặc không nộp, doanh nghiệp sẽ phải chịu những mức phạt phạt vi phạm hành chính theo pháp luật quy định.
Thời hạn nộp những loại tờ khai, báo cáo hàng tháng, hàng quý, năm
Căn cứ vào khoản 1 điều 44 luật quản lý thuế 2019, Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế đối với loại thuế khai theo tháng, theo quý được quy định như sau:
“a) Chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo tháng;
b) Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo quý phát sinh nghĩa vụ thuế đối với trường hợp khai và nộp theo quý.”
Như vậy:
- Theo tháng:
+ Chậm nhất là ngày 20 của tháng sau.
+ Đối với DN phải nộp báo cáo tình hình sử dụng hoá đơn theo tháng, căn cứ vào điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC: Thời hạn nộp chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo
- Theo quý:
+ Các tờ khai thuế chậm nhất ngày cuối cùng của tháng đầu của quý tiếp theo.
+ Đối với doanh nghiệp nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quý, điều 27 Thông tư 39/2014/TT-BTC: Quý I nộp chậm nhất là ngày 30/4; quý II nộp chậm nhất là ngày 30/7, quý III nộp chậm nhất là ngày 30/10 và quý IV nộp chậm nhất là ngày 30/01 của năm sau (mẫu số 3.9 Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này). Trường hợp trong kỳ không sử dụng hóa đơn, tại Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn ghi số lượng hóa đơn sử dụng bằng không (=0)
- Theo năm:
– Lệ phí môn bài: Căn cứ vào khoản 1 điều 10 nghị định 126/2020/NĐ-CP: “Người nộp lệ phí môn bài (trừ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) mới thành lập (bao gồm cả doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển từ hộ kinh doanh) hoặc có thành lập thêm đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh thực hiện nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm thành lập hoặc bắt đầu hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trường hợp trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi.“
– Các loại tờ khai thuế, quyết toán thuế có kỳ tính thuế theo năm, căn cứ vào điểm a khoản 2 điều 44 luật quản lý thuế 2019: “Chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ quyết toán thuế năm; chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng đầu tiên của năm dương lịch hoặc năm tài chính đối với hồ sơ khai thuế năm.“
– Báo cáo tài chính, căn cứ vào khoản 3 điều 29 luật kế toán 2015, Báo cáo tài chính năm của đơn vị kế toán phải được nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Lịch nộp các loại tờ khai thuế của doanh nghiệp
Mức phạt nộp chậm các tờ khai thuế
Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi vi phạm về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế như sau:
– Thời hạn 01 ngày đến 05 ngày: Phạt cảnh cáo nếu có tình tiết giảm nhẹ;
– Thời hạn 01 ngày đến 30 ngày: Phạt tiền từ 02 triệu đồng đến 05 triệu đồng trừ trường hợp có tình tiết giảm nhẹ khi nộp chậm từ 01 ngày đến 05 ngày;
– Thời hạn 31 ngày đến 60 ngày: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng;
– Thời hạn 61 ngày đến 90 ngày, trên 91 ngày nhưng không phát sinh số thuế phải nộp, không nộp tờ khai thuế dù không phát sinh thuế: Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng;
– Thời hạn trên 90 ngày: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.
Phạt chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn
Việc chậm nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn cũng có thể bị xử phạt hành chính.
Căn cứ Điều 29 Nghị định 125/2020/NĐ-CP:
1. Phạt cảnh cáo đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 05 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định mà có tình tiết giảm nhẹ.
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn quá thời hạn quy định từ 01 ngày đến 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Lập sai hoặc không đầy đủ nội dung của thông báo, báo cáo về hóa đơn theo quy định gửi cơ quan thuế.
Trường hợp tổ chức, cá nhân tự phát hiện sai sót và lập lại thông báo, báo cáo thay thế đúng quy định gửi cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra thuế, kiểm tra thuế tại trụ sở người nộp thuế thì không bị xử phạt.
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 11 ngày đến 20 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
4. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng với hành vi nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 21 ngày đến 90 ngày, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định.
5. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế quá thời hạn quy định từ 91 ngày trở lên, kể từ ngày hết thời hạn theo quy định;
b) Không nộp thông báo, báo cáo về hóa đơn gửi cơ quan thuế theo quy định.
……
7. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc lập, gửi thông báo, báo cáo về hóa đơn đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 2 và điểm b khoản 5 Điều này.
Trên đây là nội dung bài viết mức phạt nộp chậm các tờ khai thuế của doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, bạn đọc vui lòng liên hệ LawKey để được giải đáp chi tiết hoặc yên tâm sử dụng dịch vụ báo cáo thuế đang được hàng trăm doanh nghiệp tin dùng của chúng tôi.

Hoá đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh
Những đối tượng nào phải sử dụng hoá đơn điện tử có mã theo từng lần phát sinh? Thủ tục đề nghị cấp như thế [...]

Thủ tục hủy hóa đơn GTGT theo pháp luật hiện hành
Trong nhiều trường hợp, tổ chức, cá nhân kinh doanh phải hủy đi hóa đơn GTGT đã lập, đã phát hành. Vậy thủ tục hủy [...]