Quyền lợi của cổ đông ưu đãi
Trong công ty cổ phần, ngoài cổ đông phổ thông còn có các cổ đông nắm giữ các cổ phần ưu đãi đặc biệt. Vậy quyền lợi của cổ đông ưu đãi được pháp luật quy định như thế nào?
Căn cứ vào Luật doanh nghiệp 2014, Lawkey xin đưa ra tư vấn về vấn đề này như sau:
Ngoài cổ đông phổ thông là cổ đông nắm giữ cổ phần phổ thông, CTCP còn phát hành các cổ phần ưu đãi dành cho các cổ đông ưu đãi. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu nó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.
Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:
- Cổ phần ưu đãi biểu quyết;
- Cổ phần ưu đãi cổ tức;
- Cổ phần ưu đãi hoàn lại;
- Cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định.
Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.
1. Cổ đông ưu đãi biểu quyết
– Cổ phần ưu đãi biểu quyết là cổ phần có số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông. Số phiếu biểu quyết của một cổ phần ưu đãi biểu quyết do Điều lệ công ty quy định.
– Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết có các quyền đặc biệt sau đây:
+ Biểu quyết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông với số phiếu biểu quyết nhiều hơn so với cổ phần phổ thông và được Điều lệ công ty quy định cụ thể.
+ Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi biểu quyết không được chuyển nhượng cổ phần đó cho người khác. Chỉ trừ trường hợp sau 03 năm, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển thành cổ phần phổ thông mới có quyền chuyển nhượng.
=> Lưu ý: Chỉ có tổ chức được Chính phủ ủy quyền và cổ đông sáng lập được quyền nắm giữ cổ phần ưu đãi biểu quyết. Ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chỉ có hiệu lực trong 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Sau thời hạn đó, cổ phần ưu đãi biểu quyết của cổ đông sáng lập chuyển đổi thành cổ phần phổ thông.
>> Xem thêm: Quyền và nghĩa vụ của đại hội đồng cổ đông trong CTCP
2. Cổ đông ưu đãi cổ tức
– Cổ phần ưu đãi cổ tức là cổ phần được trả cổ tức với mức cao hơn so với mức cổ tức của cổ phần phổ thông hoặc mức ổn định hằng năm. Trong đó, mức cổ tức cố định cụ thể và phương thức xác định cổ tức thưởng được ghi trên cổ phiếu của cổ phần ưu đãi cổ tức.
– Cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức có các quyền sau đây:
+ Nhận cổ tức theo quy định về cổ phần cổ tức;
+ Nhận phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty, sau khi công ty đã thanh toán hết các khoản nợ, cổ phần ưu đãi hoàn lại khi công ty giải thể hoặc phá sản
+ Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
>> Xem thêm: Thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập trong CTCP
3. Cổ đông ưu đãi hoàn lại
– Cổ phần ưu đãi hoàn lại là cổ phần được công ty hoàn lại vốn góp theo yêu cầu của người sở hữu hoặc theo các điều kiện được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại.
– Cổ đông ưu đãi hoàn lại có quyền đặc biệt sau:
+ Được hoàn lại phần vốn góp theo yêu cầu của mình hoặc theo yêu cầu được ghi tại cổ phiếu của cổ phần ưu đãi hoàn lại
+ Không có quyền biểu quyết, dự họp Đại hội đồng cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.
4. Các quyền khác của cổ đông phổ thông
Ngoài ra, tất cả các cổ đông ưu đãi được hưởng các quyền lợi khác của cổ đông phổ thông như:
– Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
– Ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
– Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp:
+ Đối với cổ đông sáng lập: Trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông
+ Điều lệ công ty có quy định hạn chế chuyển nhượng
– Xem xét, tra cứu và trích lục các thông tin trong Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và yêu cầu sửa đổi các thông tin không chính xác;
– Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông;
– Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty;
– Quyền lợi đối với cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty quy định tại khoản 2, 3 điều 114 Luật doanh nghiệp 2014.
– Các quyền khác quy định theo Điều lệ công ty.
>> Xem thêm: Quy định về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông
Trên đây là tư vấn của Lawkey về quyền lợi của cổ đông ưu đãi trong CTCP xin được gửi tới bạn đọc. Nếu có bất kỳ vấn đề gì thắc mắc cần được giải đáp, xin vui lòng liên hệ trực tiếp Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Dịch vụ thành lập văn phòng đại diện công ty, doanh nghiệp
Dịch vụ thành lập văn phòng đại diện công ty, doanh nghiệp nhanh, rẻ nhất tại Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đã tin tưởng [...]
Doanh nghiệp quảng cáo trên xe buýt cần lưu ý điều gì?
Với mọi chiến lược PR sản phẩm, quảng cáo trên mọi phương diện thì các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh việc dán quảng [...]