Tại sao doanh nghiệp nên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại?
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại đang ngày càng được sử dụng rộng rãi và được khuyên sử dụng hơn (nhất là trong tranh chấp thương mại quốc tế) so với giải quyết tranh chấp bằng tòa án. Vậy, tại sao doanh nghiệp nên sử dụng trọng tài thương mại?
1. Trọng tài thương mại là gì?
Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của pháp luật.
2. Những ưu điểm của trọng tài thương mại so với tòa án
2.1. Thủ tục giải quyết đơn giản, nhanh chóng, linh hoạt
So với tố tụng tại Tòa án, trọng tài thương mại:
- Cho phép các bên tự thỏa thuận về thời gian, địa điểm và cả thủ tục tố tụng trọng tài
- Không có các cấp xét xử như Tòa án (sơ thẩm, phúc thẩm)
Điều đó giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm được thời gian và có thể cả chi phí để giải quyết tranh chấp. Điều này rất có ý nghĩa với doanh nghiệp vì theo đuổi một vụ kiện có thể làm ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh thường ngày.
2.2. Các bên có thể lựa chọn trọng tài viên
Luật Trọng tài 2010 quy định Trọng tài viên là người được các bên lựa chọn hoặc được Trung tâm trọng tài hoặc Tòa án chỉ định để giải quyết tranh chấp theo quy định. Số lượng trọng tài viên trong một vụ kiện thương mại thường là 1 người (thường đối với các vụ tranh chấp nhỏ) hoặc 3 người (gọi là Hội đồng trọng tài). Thông thường, việc thành lập Hội đồng trọng tài gồm 3 người được tiến hành như sau (được quy định chi tiết trong Quy tắc tố tụng trọng tài của từng tổ chức trọng tài):
- Nguyên đơn tự lựa chọn (và thông báo cho tổ chức trọng tài) hoặc yêu cầu tổ chức trọng tài chỉ định trọng tài viên thứ nhất.
- Bị đơn tự lựa chọn (và thông báo cho tổ chức trọng tài) hoặc tổ chức trọng tài sẽ tự chỉ định trọng tài viên thứ hai nếu bị đơn không lựa chọn.
- Trọng tài viên thứ nhất và trọng tài viên thứ hai sẽ thỏa thuận lựa chọn ra trọng tài viên thứ 3 là Chủ tịch Hội đồng trọng tài. Nếu đến thời hạn quy định mà chưa có thông báo lựa chọn được Chủ tịch Hội đồng trọng tài thì trung tâm trọng tài sẽ chỉ định Chủ tịch Hội đồng trọng tài.
Như vậy, các bên tranh chấp có thể tự lựa chọn trọng tài viên mà mình tin tưởng, tín nhiệm về nhân cách, đạo đức nghề nghiệp cũng như chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực đang tranh chấp. Ngoài ra, các bên cũng có thể yêu cầu thay đổi trọng tài viên nếu thấy không phù hợp (điều 42 Luật Trọng tài thương mại 2010).
2.3. Đảm bảo tính bảo mật
Khác với nguyên tắc xét xử công khai trong tố tụng tại Tòa án, nguyên tắc giải quyết tranh chấp của trọng tài thương mại là xét xử không công khai. Nghĩa là, mọi thông tin liên quan đến vụ tranh chấp sẽ được giữ bí mật tuyệt đối, bao gồm cả nội dung tranh chấp và kết quả xét xử. Chỉ có hai bên tranh chấp và Hội đồng trọng tài mới được biết về các thông tin này và phải đảm bảo giữ bí mật. Điều này có ý nghĩa rất lớn với các doanh nghiệp vì vướng vào một vụ tranh chấp thương mại có thể làm giảm uy tín của họ, gây ra thiệt hại sau này.
2.4. Đề cao sự thỏa thuận của các bên
Thẩm quyền của hội đồng trọng tài được thiết lập dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên mà không phụ thuộc vào quyền lực nhà nước. Các bên tranh chấp có thể thỏa thuận lựa chọn:
- Thời gian, địa điểm, thủ tục tố tụng trọng tài
- Trọng tài viên tham gia giải quyết
- Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp
- Ngôn ngữ giải quyết tranh chấp
Việc được phép chọn luật áp dụng và ngôn ngữ giải quyết tranh chấp giúp cho trọng tài thương mại phổ biến hơn trong các vụ tranh chấp quốc tế.
2.5. Phán quyết trọng tài là chung thẩm
Theo Luật Trọng tài thương mại 2010, một trong các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là: Phán quyết trọng tài là chung thẩm. Điều đó có nghĩa là phán quyết của trọng tài là quyết định cuối cùng và không bị kháng cáo, kháng nghị.
Phán quyết trọng tài cũng có tính cưỡng chế thi hành đối với các bên. Ở Việt Nam, nếu các bên không tự nguyên thực hiện theo phán quyết trọng tài, Cơ quan thi hành án chịu trách nhiệm cưỡng chế các bên thi hành bản án.
3. Lưu ý khi sử dụng trong tài thương mại
Để sử dụng trọng tài thương mại cần chú ý những nội dung sau:
- Phải có thỏa thuận trọng tài: Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp, có thể là điều khoản trọng tài trong hợp đồng thương mại hoặc một thỏa thuận trọng tài riêng.
- Thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu theo quy định pháp luật:
- Tranh chấp phát sinh phải thuộc thẩm quyền giải quyết của trọng tài thương mại (Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài được quy định tại điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010 và được hướng dẫn tại điều 2 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại của Hội đồng thẩm phán tối cao)
- Người xác lập thoả thuận trọng tài phải đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có thẩm quyền để xác lập thỏa thuận
- Hình thức của thỏa thuận trọng tài phù hợp: phải được xác lập dưới dạng văn bản theo một trong 2 hình thức: điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc một thỏa thuận riêng
- Các bên hoàn toàn tự nguyện trong việc xác lập thỏa thuận trọng tài, không bị lừa dối, cưỡng ép
- Thỏa thuận trọng tài không vi phạm điều cấm của pháp luật.
>> Xem thêm: Thủ tục giải quyết tranh chấp thương mại theo cơ chế Trọng tài quy chế
Trên đây là tư vấn của Lawkey về việc Tại sao doanh nghiệp nên chọn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Quy định đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp
QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG VỐN CỦA DOANH NGHIỆP Trong quá trình hoạt động kinh doanh, [...]
Biên bản họp Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần
Biên bản họp Hội đồng quản trị trong Công ty cổ phần là gì ? Nội dung cụ thể trong biên bản họp như thế nào theo quy định [...]