Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản
Trình tự thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được thực hiện theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Cụ thể như sau:
Trình tự thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Sau khi xảy ra hành vi vi phạm pháp luật, được chủ thể có thẩm quyền lập biên bản thì việc ra quyết định và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
Bước 1: Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 67 Luật xử lý vi phạm hành chính. Theo đó:
– Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
– Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức cùng thực hiện một hành vi vi phạm hành chính thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng cá nhân, tổ chức.
– Trường hợp nhiều cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính khác nhau trong cùng một vụ vi phạm thì có thể ra 01 hoặc nhiều quyết định xử phạt để quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm của từng cá nhân, tổ chức.
Bước 2: Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành
Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, người có thẩm quyền đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt và cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm và thông báo cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt biết.
Bước 3: Công bố công khai việc xử phạt đối chủ thể vi phạm hành chính
Cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 72 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012.
Bao gồm các vi phạm hành chính về: An toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
Bước 4: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp xét thấy việc thi hành quyết định xử lý vi phạm hành chính bị khiếu nại, khởi kiện sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì được tạm hoãn thi hành.
Xem thêm: Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Điều 74 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định.
Trường hợp quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện thuộc loại cấm lưu hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong trường hợp cần thiết để bảo vệ môi trường, bảo đảm giao thông, xây dựng và an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn.
Xem thêm: Quy định về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Xác định thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định hiện hành
Trên đây là bài tư vấn của chúng tôi về “Trình tự thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản” gửi đến bạn đọc. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn.
Di chúc hợp pháp là gì ? Quy định pháp luật về di chúc hợp pháp
Di chúc hợp pháp là gì ? Quy định pháp luật về di chúc hợp pháp. Thành lập di chúc để chia di sản thừa kế cho người thừa [...]
Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định
Hợp đồng mua bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội phải có những nội dung nào? Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng [...]