Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi Cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân
Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi Cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân? Trình tự, thủ tục thực hiện ra sao? Cùng tìm hiểu qua bài viết sau của LawKey.
Tình huống: Tôi đang sử dụng một diện tích đất tại Hà Nội, có diện tích là 300 m2, mục đích sử dụng đất là ở. Nay tôi thành lập doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực đồ gốm sứ, đất ở được chuyển đổi làm nơi sản xuất đồ gốm sứ. Gia đình tôi chuyển sang chỗ khác để ở sau khi đã mua nhà. Luật sư cho tôi hỏi: Tôi phải thực hiện thủ tục gì trong trường hợp này? Cảm ơn luật sư.
LawKey tư vấn
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp lý của LawKey. Với những thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Xác định các thủ tục cần thực hiện
Thủ tục đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 83 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trường hợp cá nhân thành lập doanh nghiệp sử dụng đất vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thì phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất nếu thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của luật và thủ tục đăng ký biến động tên người sử dụng đất.
>>Xem thêm: Có thể chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang đất nuôi tôm không?
Thủ tục đăng ký biến động do mục đích sử dụng đất thay đổi
Tuy nhiên, tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, pháp luật quy định các trường hợp mà người sử dụng đất chuyển mục đích sử dụng đất không phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng phải đăng ký biến động, bao gồm:
– Chuyển đất trồng cây hàng năm sang đất nông nghiệp khác gồm: đất sử dụng để xây dựng nhà kính và các loại nhà khác phục vụ mục đích trồng trọt; đất xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại động vật khác được pháp luật cho phép; nuôi trồng thủy sản cho mục đích học tập, nghiên cứu thí nghiệm;
– Chuyển đất trồng cây hàng năm khác, đất nuôi trồng thủy sản sang trồng cây lâu năm;
– Chuyển đất trồng cây lâu năm sang đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng cây hàng năm;
– Chuyển đất ở sang đất phi nông nghiệp không phải là đất ở;
– Chuyển đất thương mại, dịch vụ sang đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ; chuyển đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ hoặc đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp sang đất xây dựng công trình sự nghiệp.
Mà đất dùng làm nơi sản xuất đồ gốm sứ được xác định là đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013.
Do đó, trường hợp của bạn phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai do mục đích sử dụng đất đã có sự thay đổi.
Kết luận
Như vậy, việc bạn thành lập doanh nghiệp và sử dụng luôn đất ở của mình làm nơi sản xuất, kinh doanh đồ gốm sứ sẽ phải thực hiện hai thủ tục sau:
– Một là thủ tục đăng lý biến động tên người sử dụng đất;
– Hai là thủ tục đăng ký biến động do mục đích sử dụng đất thay đổi.
Do đây đều là thủ tục đăng ký biến động nên chúng tôi xin được tư vấn chung cho hai thủ tục này.
>>Xem thêm: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất thuộc dự án xây dựng nhà ở?
Thủ tục đăng ký biến động
Trình tự, thủ tục thực hiện được quy định chi tiết tại Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Bước 1. Chuẩn bị hồ sơ
Bạn chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các giấy tờ sau theo quy định tại Thông tư 02/2015/TT-BTNMT:
– Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp;
Bước 2. Nộp hồ sơ
Bạn nộp hồ sơ tại một trong các Văn phòng đăng ký đất đai tại Hà Nội.
Lưu ý: Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết trong thời hạn 03 ngày.
>>Xem thêm: Đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở có được cấp sổ đỏ?
Bước 3. Thẩm định hồ sơ
Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
– Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
– Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
– Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
– Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
– Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
>>Xem thêm: Tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất bị xử phạt như thế nào?
Bước 4. Thực hiện nghĩa vụ tài chính
Bạn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan thuế.
Bước 5. Trả sổ đỏ
Văn phòng đăng ký đất đai trao Giấy chứng nhận cho bạn (trực tiếp).
Thời gian thực hiện cấp giấy chứng nhận: Không quá 15 ngày.
Lưu ý:
Thời gian làm thủ tục Cấp giấy chứng nhận được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
>>Xem thêm: Thủ tục Cấp sổ đỏ khi giấy tờ về quyền sử dụng đất đứng tên người khác?
Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất khai hoang?
Cấp lại sổ đỏ đã bị mất do cơ quan nào thực hiện?
Trên đây là tư vấn của LawKey về Thủ tục đăng ký biến động đất đai khi Cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân. Nếu có thắc mắc, vui lòng liên hệ với LawKey để được tư vấn, giải đáp.
Công chứng Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất
Công chứng Hợp đồng mua bán, chuyển nhượng nhà đất như thế nào? Giấy tờ cần chuẩn bị để ký hợp đồng chuyển nhượng [...]
Trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp?
Pháp luật quy định có bao nhiêu loại đất nông nghiệp ? Đất dùng để trồng lúa là loại đất gì? Trường hợp nào không [...]