Tội đầu cơ trong Bộ luật Hình sự 2015
Đầu cơ là gì? Tội đầu cơ trong Bộ luật Hình sự 2015 được quy định như thế nào? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Đầu cơ là gì?
Đầu cơ được hiểu là hành vi mua vào số lượng lớn một số sản phẩm, hàng hóa khi thị trường mất ổn định nhằm chờ cơ hội thu lợi khi bán ra thu lợi từ việc mất ổn định của thị trường về giá cả của hàng hóa đó.
Việc mua bán này thường diễn ra trong thời gian ngắn hạn.
Tội đầu cơ trong Bộ luật Hình sự 2015
Tội đầu cơ trong Bộ luật hình sự 2015 được quy định như sau:
Khung hình phạt tội đầu cơ đối với cá nhân
Căn cứ theo Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017 quy định về tội đầu cơ như sau:
1. Khung 1:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với:
Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp:
- Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Khung 2:
Phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm đối với người phạm tội:
- Có tổ chức;
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
- Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
- Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Khung 3:
Phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội:
- Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên;
- Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên;
- Tái phạm nguy hiểm.
Lưu ý: Ngoài các khung hình phạt trên, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khung hình phạt tội đầu cơ đối với pháp nhân
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, thì bị xử phạt như sau:
- Phạm tội thuộc Khung 1 thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ và e Khoản 2 Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
- Phạm tội thuộc trường hợp tại Khung 3 thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Mức phạt hành chính đối với hành vi đầu cơ hàng hóa
Tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP quy định về hành vi đầu cơ hàng hóa như sau:
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi:
Lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa hoặc tạo ra sự khan hiếm hàng hóa giả tạo trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng nhằm bán lại thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự:
- Hàng hóa thuộc danh mục bình ổn giá hoặc danh mục nhà nước định giá theo quy định của pháp luật về giá;
- Khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
4. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
5. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp hàng hóa có giá trị từ 1.000.000.000 đồng trở lên.
6. Hình thức xử phạt bổ sung:
- Tịch thu tang vật;
- Tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh hàng hóa vi phạm từ 06 tháng đến 12 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
7. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều 31 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.
>>Xem thêm: Phân biệt tố cáo và tố giác tội phạm
Trên đây là bài viết về: Tội đầu cơ trong Bộ luật Hình sự 2015. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Tội cản trở việc thi hành án
Thế nào là cản trở việc thi hành án ? Tội cản trở việc thi hành án bị truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào ? Hãy [...]
Tội làm nhục người khác là gì? Hình phạt của tội làm nhục người khác
Trên thực tế hiện nay xảy ra rất nhiều vụ việc làm nhục người khác và đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, nhiều người [...]