Các hình thức hiện diện thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam
Thương nhân nước ngoài muốn hoạt động lâu dài tại Việt Nam thường phải thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam. Vậy nhà đầu tư nước ngoài có thể thành lập hiện diện thương mại tại Việt Nam theo những hình thức nào? Dưới đây, LawKey xin đề cập đến 4 hình thức hiện diện thương mại phổ biến nhất của nhà đầu tư nước ngoài.
1. Thành lập Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài
Theo Luật đầu tư 2014, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông. Theo đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp có thương nhân nước ngoài trong danh sách thành viên (đối với công ty TNHH) hoặc có người nước ngoài nắm giữ cổ phần (đối với công ty cổ phần). Thương nhân nước ngoài có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc liên kết, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Luật Đầu tư 2014, có thể phân các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thành 2 loại như sau:
- Doanh nghiệp có thương nhân nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài (đối với công ty hợp danh) phải đáp ứng các điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài.
- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài dưới 51% hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân Việt Nam (đối với công ty hợp danh) thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước.
Thương nhân nước ngoài có thể thành lập Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo các loại hình doanh nghiệp được quy định (công ty cổ phần, Công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân); theo đúng trình tự, thủ tục được thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép kinh doanh, hoạt động trong những ngành nghề thương nhân nước ngoài không bị hạn chế theo Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam khi gia nhập WTO.
2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
Theo Luật Đầu tư 2014, Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm mà không thành lập tổ chức kinh tế. Khái niệm hợp đồng hợp tác kinh doanh cũng tương đồng với khái niệm hợp đồng hợp tác được quy định trong Bộ Luật dân sự 2015. Do đó, hợp đồng BCC cũng được thành lập dựa trên sự thỏa thuận của các bên và không thuộc các trường hợp bị vô hiệu.
Theo Luật Đầu tư 2014, hợp đồng BCC bao gồm những nội dung sau đây:
- Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa chỉ nơi thực hiện dự án;
- Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
- Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
- Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
- Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.
3. Thành lập Chi nhánh
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Luật Thương mại 2005, chi nhánh có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Có quyền thuê trụ sở; thuê, mua phương tiện vật dụng; tuyển dụng người lai động,… để đảm bảo duy trì hoạt động của chi nhánh
- Có quyền thực hiện các hoạt động nhằm mục đích kinh tế, có quyền giao kết hợp đồng thương mại
- Được phép chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định pháp luật
- Có con dấu mang tên chi nhánh\
- Phải thực hiện chế độ kế toán, báo cáo hoạt động tàu chính theo quy định
Theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định, Thương nhân nước ngoài được thành lập chi nhánh của mình tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, chi nhánh được thành lập phải hoạt động trong các ngành, nghề không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài theo Biểu cam kết cụ thể của Việt Nam khi gia nhập WTO.
4. Thành lập Văn phòng đại diện
Theo Luật Doanh nghiệp 2014, Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó.
Theo Luật Thương mại 2005, Văn phòng đại diện có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Có quyền thuê trụ sở; thuê, mua phương tiện vật dụng; tuyển dụng người lai động,… để đảm bảo duy trì hoạt động của văn phòng đại diện
- Có con dấu mang tên văn phòng đại diện
- Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập. Chỉ được thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại được phép; không được giao kết hợp đồng thương mại; không được thực hiện hoạt động sinh lợi trực tiếp tại Việt Nam
- Phải nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện nghĩa vụ tài chính khác theo quy định pháp luật
- Phái báo cáo hoạt động của văn phòng đại diện theo quy định.
Theo Nghị định 07/2016/NĐ-CP quy định chi tiết Luật thương mại về văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam quy định, Thương nhân nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam theo cam kết của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Trên đây là tư vấn của Lawkey về Các hình thức hiện diện thương mại của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam xin được gửi tới quý bạn đọc. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp, hãy liên hệ Lawkey để được tư vấn một cách chính xác nhất !
Quy định về Kinh doanh dịch vụ cầm đồ mới nhất
Kinh doanh dịch vụ cầm đồ đã tồn tại từ lâu trong xã hội. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ các quy định của pháp [...]
Hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và mức phạt tiền tương ứng
Các hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định pháp luật hiện hành? Mức xử phạt đối với [...]