Chuyển rủi ro trong Hợp đồng mua bán hàng hóa
Xác định bên nào chịu rủi ro có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định quyền và nghĩa vụ của các bên; trách nhiệm đối với những hư hỏng; mất mát hàng hóa trong quá trình thực hiện hợp đồng mua bán hàng hóa. Vậy cần xác định đến thời điểm rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa.
Thế nào là rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Rủi ro trong hợp đồng mua bán là những mất mát, hư hỏng xảy ra đối với hàng hóa. Rủi ro đó có thể do lỗi chủ quan của con người hoặc do các hiện tượng khách quan gây nên (do thời tiết, do tai nạn bất ngờ, do tính chất của hàng hóa,…). Những rủi ro đó có thể gây ra thiệt hại lớn cho một hoặc các bên, do đó khi giao kết hợp đồng các bên cần phải lưu ý kỹ đến điều khoản chuyển rủi ro này.
Điều 441 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định chung về thời điểm chịu rủi ro đối với tài sản như sau:
“Điều 441. Thời điểm chịu rủi ro
1- Bên bán chịu rủi ro đối với tài sản trước khi tài sản được giao cho bên mua, bên mua chịu rủi ro đối với tài sản kể từ thời điểm nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
2- Đối với hợp đồng mua bán tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì bên bán chịu rủi ro cho đến khi hoàn thành thủ tục đăng ký, bên mua chịu rủi ro kể từ thời điểm hoàn thành thủ tục đăng ký, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”
Như vậy, pháp luật ưu tiên sự tự do thỏa thuận của các bên, trong trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc pháp luật chuyên ngành không quy định, thì áp dụng theo quy định chung tại Bộ luật dân sự.
Thời điểm chuyển rủi ro trong hợp đồng mua bán hàng hóa?
Về nguyên tắc chuyển rủi ro trước hết pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên: Các bên đã thỏa thuận về thời điểm chuyển rủi ro thì thời điểm chuyển rủi ro được xác định theo thỏa thuận đã xác lập.
Trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm chuyển rủi ro của hàng hóa căn cứ theo quy định tại Luật Thương mại năm 2005
Chuyển rủi ro trong trường hợp có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu bên bán có nghĩa vụ giao hàng cho bên mua tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho bên mua hoặc người được bên mua ủy quyền đã nhận hàng tại địa điểm đó, kể cả trong trường hợp bên bán được ủy quyền giữ lại các chứng từ xác lập quyền sở hữu đối với hàng hóa.
Chuyển rủi ro trong trường hợp không có địa điểm giao hàng xác định
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hợp đồng có quy định về việc vận chuyển hàng hóa và bên bán không có nghĩa vụ giao hàng tại một địa điểm nhất định thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua khi hàng hóa đã được giao cho người vận chuyển đầu tiên.
Chuyển rủi ro trong trường hợp giao hàng cho người nhận hàng để giao mà không phải là người vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu hàng hóa đang được người nhận hàng để giao nắm giữ mà không phải là người vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua thuộc một trong các trường hợp sau đây:
– Khi bên mua nhận được chứng từ sở hữu hàng hóa;
– Khi người nhận hàng để giao xác nhận quyền chiếm hữu hàng hóa của bên mua.
Chuyển rủi ro trong trường hợp mua bán hàng hóa đang trên đường vận chuyển
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, nếu đối tượng của hợp đồng là hàng hóa đang trên đường vận chuyển thì rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua kể từ thời điểm giao kết hợp đồng.
Chuyển rủi ro trong các trường hợp khác
Trừ trường hợp có thỏa thuận khác, việc chuyển rủi ro trong các trường hợp sau:
– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa được chuyển cho bên mua, kể từ thời điểm hàng hóa thuộc quyền định đoạt của bên mua và bên mua vi phạm hợp đồng do không nhận hàng;
– Rủi ro về mất mát hoặc hư hỏng hàng hóa không được chuyển cho bên mua, nếu hàng hóa không được xác định rõ ràng bằng ký mã hiệu, chứng từ vận tải, không được thông báo cho bên mua hoặc không được xác định bằng bất kỳ cách thức nào khác.
Để đảm bảo quyền lợi của mình một cách tối đa, các bên cần phải chú ý đến thời điểm xảy ra rủi ro, tránh xảy ra những tranh chấp không đáng có.
Bên cạnh đó, quý khách hàng có thể tham khảo thêm về những đối tượng hàng hóa, dịch vụ chịu mức thuế suất GTGT 10%
Hành vi vi phạm về tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hóa và mức phạt tiền tương ứng
Xác định Hành vi vi phạm về tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập hàng hóa theo quy định pháp luật? Mức phạt tiền [...]
Thành lập trung tâm tư vấn du học có vốn nước ngoài
Thành lập trung tâm tư vấn du học có vốn nước ngoài được thực hiện như thế nào? Điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành [...]