Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước được quy định như thế nào? Điều kiện và hình thức cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Doanh nghiệp cổ phần hóa là gì?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định về khái niệm doanh nghiệp cổ phần hóa như sau:
“Doanh nghiệp cổ phần hóa là doanh nghiệp thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định này thực hiện chuyển đổi thành công ty cổ phần theo quy định tại Nghị định này.”
Như vậy, doanh nghiệp cổ phần hóa bao gồm:
- Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
- Công ty TNHH một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
- Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty TNHH một thành viên.
- Công ty TNHH một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).
Điều kiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Theo Điều 4 Nghị định 126/2017/NĐ-CP (sửa đổi bởi điểm a, điểm b Khoản 2 Điều 1 Nghị định 140/2020/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 6 Nghị định 140/2020/NĐ-CP) quy định về điều kiện cổ phần hóa như sau:
♣ Các doanh nghiệp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo các điều kiện sau:
1. Không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ.
2. Sau khi đã xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này mà giá trị thực tế doanh nghiệp bằng hoặc lớn hơn các khoản phải trả.
3. Đối với doanh nghiệp thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo quy định của pháp luật phải có phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đối với các công ty nông, lâm nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, ngoài phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đối với diện tích đất phi nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phải có phương án sử dụng đất đối với diện tích đất nông nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Lưu ý:
- Các doanh nghiệp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp với Công ty Mua bán nợ Việt Nam và các chủ nợ của doanh nghiệp xây dựng phương án mua bán nợ đảm bảo tính khả thi và hiệu quả để tái cơ cấu doanh nghiệp hoặc chuyển sang thực hiện các hình thức chuyển đổi khác theo quy định của pháp luật.
- Nhà nước không cấp thêm vốn để cổ phần hóa, kể cả các doanh nghiệp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về ban hành tiêu chí, danh mục, phân loại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ khi thực hiện cổ phần hóa thuộc diện Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số cổ phần.
Doanh nghiệp nhà nước thực hiện cổ phần hóa bằng những hình thức nào?
Theo Điều 5 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định về hình thức cổ phần hóa như sau:
- Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
- Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.
Như vậy, khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa thì áp dụng 03 hình thức theo quy định vừa nêu trên.
Chi nhánh doanh nghiệp nhà nước có cần phải tiến hành cổ phần hóa hay không?
Theo Điều 2 Nghị định 126/2017/NĐ-CP quy định về đối tượng áp dụng như sau:
“Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan đại diện chủ sở hữu
2. Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm:
a) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, Công ty mẹ của Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước), Công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ – công ty con.
b) Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
c) Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
3. Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ (sau đây gọi tắt là doanh nghiệp cấp II).
4. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong việc chuyển doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần.”
Theo quy định trên thì đối tượng cổ phần hóa không có quy định về chi nhánh. Do đó, trong trường hợp này chi nhánh doanh nghiệp nhà nước không cần tiến hành cổ phần hóa.
>>Xem thêm: Đấu giá doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Trên đây là bài viết về: Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quỹ bảo lãnh tín dụng là gì? Điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định [...]
Cử lại người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp
Cử lại người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp? Điều kiện, trình tự và thủ tục cử lại người đại [...]