Điểm mới về hộ kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP
Nghị định 01/2021/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 04/01/2021 đã ban hành thêm quy định mới về hộ kinh doanh. Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết sau:
1. Quy định về đăng ký hộ kinh doanh
Khoản 1 Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định:
“Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
…”
Theo quy định trên, có thể thấy, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã có những quy định mới về hộ kinh doanh, cụ thể:
– Giới hạn về chủ thể được phép thành lập hộ kinh doanh: ghi nhận 02 đối tượng được phép thành lập hộ kinh doanh là cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình (giới hạn “một nhóm người” theo Nghị định 78/2015/NĐ-CP thành “các thành viên hộ gia đình”)
– Bỏ quy định phải đăng ký thành lập doanh nghiệp khi sử dụng từ mười lao động trở lên.
Đồng thời, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã bổ sung thêm trường hợp:
– Không phải đăng ký hộ kinh doanh đối với: Những người kinh doanh thời vụ.
– Không được thành lập hộ kinh doanh đối với: Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Về địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh
Địa điểm kinh doanh của hộ kinh doanh là nơi hộ kinh doanh thực hiện hoạt động kinh doanh. Một hộ kinh doanh có thể hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng phải chọn một địa điểm để đăng ký trụ sở hộ kinh doanh và phải thông báo cho Cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý thị trường nơi tiến hành hoạt động kinh doanh đối với các địa điểm kinh doanh còn lại.
Như vậy, Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã cho phép mọi hộ kinh doanh đều được hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm thay vì giới hạn chỉ hộ kinh doanh buôn chuyến, kinh doanh lưu động mới được phép kinh doanh ngoài địa điểm đã đăng ký như trước đây.
3. Quy định về mã số đăng ký hộ kinh doanh
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện ghi mã số đăng ký hộ kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo cấu trúc sau:
– Mã cấp tỉnh: 02 ký tự bằng số;
– Mã cấp huyện: 01 ký tự bằng chữ cái tiếng Việt;
– Mã loại hình: 01 ký tự, 8 = hộ kinh doanh;
– Số thứ tự hộ kinh doanh: 06 ký tự bằng số, từ 000001 đến 999999.
4. Quy định đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh
– Khi có thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh, chủ hộ kinh doanh có trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi (trước đây không có quy định về thời hạn thực hiện đăng ký thay đổi);
– Quy định chi tiết hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh trong các trường hợp cụ thể:
+ Trường hợp thay đổi chủ hộ kinh doanh: hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
+ Trường hợp hộ kinh doanh chuyển địa chỉ trụ sở sang quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nơi hộ kinh doanh đã đăng ký: hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 4 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP;
+ Các trường hợp còn lại: hồ sơ thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 90 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
5. Quy định về tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo
Nghị định 01/2021/NĐ-CP đã có sự thay đổi về thời gian tạm ngừng kinh doanh, thời hạn thông báo cũng như hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh, cụ thể:
– Không còn giới hạn về thời gian tạm ngừng kinh doanh (tối đa là 01 năm như tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP trước đây);
– Yêu cầu bổ sung trong hồ sơ thông báo tạm ngừng kinh doanh: Kèm theo thông báo phải có bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh;
– Thay đổi thời hạn thực hiện thông báo tạm ngừng kinh doanh: từ “ít nhất 15 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh” thành “ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh”.
6. Quy định về quyền và nghĩa vụ của chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình
Theo đó, chủ hộ kinh doanh sẽ là người đại diện cho hộ kinh doanh (với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi… theo quy định của pháp luật) thực hiện các nghĩa vụ về thuế, tài chính và các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Đồng thời, chủ hộ kinh doanh có thể thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh. Trong trường hợp này, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh vẫn chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh.
Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh, các thành viên hộ gia đình tham gia đăng ký hộ kinh doanh chịu trách nhiệm đối với các hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh.
Xem thêm: Dịch vụ thành lập địa điểm kinh doanh
Trên đây là nội dung bài viết Điểm mới về hộ kinh doanh theo Nghị định 01/2021/NĐ-CP. Nếu có thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ Lawkey để được giải đáp chi tiết.
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty doanh nghiệp theo quy định của pháp luật
Cơ cấu tổ chức quản lý công ty doanh nghiệp như thế nào ? Các lưu ý cần phải biết về cơ cấu tổ chức doanh nghiệp theo [...]
Mức phạt nộp chậm tờ khai thuế của doanh nghiệp theo quy định mới nhất
Mức phạt nộp chậm các tờ khai thuế của doanh nghiệp như thế nào? Thời hạn nộp tờ khai thuế của doanh nghiệp theo quy định. [...]