Kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông đường bộ
Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là việc vận chuyển hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi vận chuyển có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm do cơ quan có thẩm quyền cấp. Để giúp quý bạn đọc hiểu thêm, trong nội dung bài viết sau đây Lawkey sẽ chia sẻ về nội dung Điều kiện kinh doanh vận tải hàng nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
I. Điều kiện kinh doanh vận tải hàng hóa nguy hiểm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ:
Thứ nhất, yêu cầu về Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm:
♣ Doanh nghiệp phải có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trong các trường hợp sau:
+ Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột (6) Danh mục hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 52/2013/TT-BTNMT);
+ Khi vận chuyển từng loại hàng nguy hiểm có khối lượng không vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột (6) Danh mục hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 52/2013/TT-BTNMT), nhưng tổng khối lượng của các chất độc hại, chất lây nhiễm vận chuyển trên cùng một phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lớn hơn 01 tấn/chuyến (không tính khối lượng bao bì).
♣ Doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện quy định (nêu dưới đây), không cần có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm trong các trường hợp sau:
Khi vận chuyển hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ với khối lượng dưới ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển theo quy định tại cột (6) Danh mục hàng nguy hiểm là các chất độc hại, chất lây nhiễm (Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 52/2013/TT-BTNMT), nhưng phải có Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm (theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 Thông tư 52/2013/TT-BTNMT) và phải tuân theo các điều kiện vận chuyển và trách nhiệm quy định tại các Điều 5, 6, 7, 10 và Điều 20 Thông tư 52/2013/TT-BTNMT;
Thứ hai, điều kiện về đóng gói, bao bì, vật chứa, ghi nhãn và biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm
1. Yêu cầu về đóng gói, bao bì, vật chứa:
– Việc đóng gói hàng nguy hiểm và sử dụng các loại vật liệu dùng để làm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đáp ứng các quy định của Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 hoặc các văn bản thay thế và phù hợp các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật tương ứng với loại hàng hóa đó (nếu có);
– Bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải đủ vững chắc để chịu được những va chạm tác động trong quá trình vận chuyển, chuyển tiếp, xếp, dỡ; có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị hoen gỉ, không phản ứng hóa học với chất chứa bên trong; có khả năng chống thấm, kín và chắc chắn để đảm bảo không rò rỉ khi vận chuyển trong điều kiện bình thường và hạn chế tối đa sự rò rỉ hàng nguy hiểm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố;
– Trong trường hợp doanh nghiệp vận chuyển sử dụng bao bì, vật chứa(TCVN 5507:2002) để tự đóng gói hàng nguy hiểm thì phải thực hiện thử nghiệm và chịu trách nhiệm về kết quả thử nghiệm bao bì,vật chứa đó trước khi sử dụng để tránh rơi lọt hoặc rò rỉ khi vận chuyển;
– Trường hợp sử dụng lại bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm thì phải làm sạch, bảo đảm kín và không gây ảnh hưởng đến loại hàng mới hoặc gây ô nhiễm môi trường; trường hợp không sử dụng lại hoặc thải bỏ bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm thì phải tuân theo các quy định của Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.
2. Yêu cầu về ghi nhãn:
Việc ghi nhãn hàng nguy hiểm được thực hiện theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Thông tư 32/2017/TT-BCT.
3. Yêu cầu về biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm:
– Bên ngoài bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm phải dán biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm;
– Phương tiện vận chuyển phải dán biểu trưng nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển. Nếu cùng một phương tiện vận chuyển nhiều loại hàng nguy hiểm khác nhau tại một thời điểm thì trên phương tiện phải dán đủ các biểu trưng nguy hiểm của các loại hàng đó. Vị trí dán biểu trưng ở hai bên thành và phía sau phương tiện, có độ bền đủ chịu được tác động của thời tiết và các tác động thông thường khi bốc, xếp, vận chuyển. Biểu trưng, báo hiệu nguy hiểm trên phương tiện vận chuyển phải được làm sạch và bóc, xóa hết nếu không vận chuyển hàng nguy hiểm;
– Biểu trưng nguy hiểm và báo hiệu nguy hiểm của loại, nhóm hàng vận chuyển thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định 29/2005/NĐ-CP; Điều 28 Nghị định 65/2018/NĐ-CP hoặc Điều 9 Nghị định 104/2009/NĐ-CP;
– Đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường sắt vận chuyển hàng rời với khối lượng bằng hoặc vượt ngưỡng khối lượng phải cấp phép vận chuyển, ngoài biểu trưng và báo hiệu nguy hiểm phải có bảng thông tin khẩn cấp đặt tại cuối phương tiện vận chuyển, mép dưới của bảng thông tin khẩn cấp phải cách mặt đất ít nhất 450 mm.
4. Yêu cầu về xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm:
– Doanh nghiệp có liên quan phải tuân thủ đúng chỉ dẫn về bảo quản, xếp, dỡ và lưu kho bãi từng loại hàng nguy hiểm phù hợp với các quy định của tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5507:2002 hoặc trong thông báo của chủ hàng nguy hiểm, chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm;
– Việc xếp, dỡ và lưu kho bãi hàng nguy hiểm được thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định 29/2005/NĐ-CP; Điều 32 Nghị định 65/2018/NĐ-CP hoặc Điều 12 Nghị định104/2009/NĐ-CP.
5. Hàng nguy hiểm:
Được vận chuyển phải kèm theo Phiếu an toàn hóa chất quy định tại Điều 29 Luật Hóa chất năm 2007, Điều 24 Nghị định 113/2017/NĐ-CP và Điều 7 Thông tư32/2017/TT-BCT.
Thứ ba, điều kiện chung đối với các phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm:
– Không vận chuyển hàng nguy hiểm cùng với hành khách, vật nuôi, lương thực, thực phẩm hoặc vận chuyển hàng nguy hiểm có khả năng phản ứng với nhau gây cháy, nổ hoặc tạo ra các chất mới độc hại đối với môi trường và sức khỏe con người trên cùng một phương tiện hoặc toa xe.
– Có trang thiết bị che, phủ kín toàn bộ khoang chở hàng. Trang thiết bị che phủ phải phù hợp với yêu cầu chống thấm, chống cháy, không bị phá hủy khi tiếp xúc với loại hàng được vậnchuyển; chịu được sự va đập và đảm bảo an toàn, hạn chế sự rò rỉ các chất độc hại và lây nhiễm ra môi trường trong trường hợp xảy ra sự cố.
– Đảm bảo đầy đủ thiết bị, vật liệu ứng phó sự cố trong quá trình vận chuyển như đã mô tả trong Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm (mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư 52/2013/TT-BTNMT).
Thứ tư, điều kiện đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi vận chuyển hàng nguy hiểm
– Có đủ điều kiện tham gia giao thông theo quy định của pháp luật về giao thông đường bộ.
– Có ca bin đủ chỗ cho ít nhất 02 (hai) người ngồi, gồm 01 (một) người điều khiển phương tiện vận chuyển và 01 (một) người áp tải hàng nguy hiểm; có đủ các bộ phận gá buộc để có thể định vị chắc chắn hàng khi vận chuyển.
– Đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật.
Thứ năm, điều kiện đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm
– Người điều khiển phương tiện vận chuyển phải có Giấy phép điều khiển phương tiện còn hiệu lực, phù hợp với loại phương tiện ghi trong Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm.
– Người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm phải có Giấy chứng nhận được huấn luyện về vận chuyển hàng nguy hiểm do Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định hoặc phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:
+ Tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành hóa chất;
+ Có Giấy chứng nhận kỹ thuật an toàn vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm còn hiệu lực do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;
+ Có Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy còn hiệu lực do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Thứ sáu, thuê vận chuyển hàng nguy hiểm:
Trong trường hợp chủ hàng nguy hiểm thuê chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm thực hiện việc vận chuyển hàng nguy hiểm phải tuân thủ các quy định sau:
– Chủ hàng nguy hiểm phải có hợp đồng kinh tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển với chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm có Giấy phép vận chuyển hàng nguyhiểm phù hợp với loại hàng cần vận chuyển;
– Trường hợp chủ phương tiện vận chuyển hàng nguy hiểm không có Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm phù hợp với loại hàng cần vận chuyển, chủ hàng nguy hiểm phải đápứng đầy đủ các điều kiện vận chuyển theo quy định tại các Điều 5, 6, 7 và 10 Thông tư 52/2013/TT-BTNMT và nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm theo từng chuyến hàng ở dưới đây.
– Việc thuê vận chuyển hàng nguy hiểm phải phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự.
II. Trình tự thủ tục xin cấp phép hoạt động
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm
– Bảng kê danh mục, khối lượng và lịch trình vận chuyển hàng nguy hiểm; Danh sách phương tiện vận chuyển, người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm
– Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp) Giấy phép điều khiển phương tiện còn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển, Giấy đăng ký phương tiện vận chuyển, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện vận chuyển do cơ quan có thẩm quyền cấp;
– Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu (trường hợp doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tiếp) Giấy chứng nhận cần thiết còn hiệu lực của người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 52/2013/TT-BTNMT;
– Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh có chữ ký có đóng dấu thể hiện rõ việc doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh(nếu có);
Xem thêm: Điều kiện cấp giáy phép kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
– Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người điều khiển phương tiện vận chuyển và người áp tải hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của tổ chức đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;
– Hợp đồng kinh tế hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc vận chuyển hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của các bên ký hợp đồng (trong trường hợp chủ hàng nguy hiểm thuê vận chuyển);
– Phiếu an toàn hóa chất của hàng nguy hiểm cần vận chuyển bằng tiếng Việt có chữ ký, đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm;
– Kết quả thử nghiệm bao bì, vật chứa hàng nguy hiểm có chữ ký, đóng dấu xác nhận của doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm (nếu có);
– Kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường trong vận chuyển hàng nguy hiểm;
– Phương án làm sạch thiết bị và bảo đảm các yêu cầu về bảo vệ môi trường;
2. Nơi nộp hồ sơ:
+Tổng cục Môi trường.
3. Thời hạn giải quyết:
+ 15 (mười) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ.
Trên đây là nội dung Lawkey chia sẻ về điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải chở hàng hóa nguy hiểm theo quy định pháp luật hiện hành. Nếu có thắc mắc gì liên quan, quý bạn đọc vui lòng liên hệ qua số hotline của Lawkey để được hỗ trợ chi tiết. Xin cảm ơn sự quan tâm của quý bạn đọc!
Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián tiếp ra nước ngoài
Hồ sơ đăng ký hạn mức nhận ủy thác bao gồm những giấy tờ nào? Thủ tục đăng ký hạn mức nhận ủy thác đầu tư gián [...]
Xử phạt hành chính hành vi thao túng thị trường chứng khoán ?
Thế nào là thao túng thị trường chứng khoán ? Hành vi thao túng thị trường chứng khoán bị xử phạt hành chính như thế [...]