Mức trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
Khi nào được hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện? Mức trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện là bao nhiêu? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khi nào được hưởng chế độ thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện?
Theo quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã có quy định như sau:
“Điều 4. Loại hình, các chế độ bảo hiểm xã hội
…
3. Bảo hiểm xã hội tự nguyện có các chế độ sau đây:
a) Trợ cấp thai sản;b) Hưu trí;
c) Tử tuất;
d) Bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động
.…”
Theo quy định trên, thì Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung trợ cấp thai sản vào các chế độ của BHXH tự nguyện. Đây là một điểm mới so với Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (áp dụng đến hết ngày 31/6/2025).
Thời gian có hiệu lực của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là từ ngày 01/7/2025, tức là từ thời điểm đó sẽ bắt đầu được hưởng chế độ thai sản cho những ai tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp thai sản khi tham gia BHXH tự nguyện?
(1) Đối tượng có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Lao động nữ sinh con;
- Lao động nam có vợ sinh con.
(2) Trường hợp chỉ có mẹ tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng trợ cấp thai sản.
(3) Trường hợp cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản quy định tại (1) thì chỉ cha hoặc mẹ được hưởng trợ cấp thai sản.
(4) Trường hợp người quy định tại (1) vừa có đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện và vừa có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc thì chỉ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc.
(5) Trường hợp mẹ đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, cha đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì mẹ được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và cha được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(6) Trường hợp cha đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc, mẹ đủ điều kiện hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện thì cha được hưởng chế độ thai sản trong bảo hiểm xã hội bắt buộc và mẹ được hưởng trợ cấp thai sản trong bảo hiểm xã hội tự nguyện.
(Điều 94 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
Mức trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
Tại Điều 95 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có quy định về mức trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện như sau:
“Trợ cấp thai sản
1. Mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo khi sinh con còn được hưởng chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
2. Ngân sách nhà nước bảo đảm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Chính phủ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.”
Theo đó, mức trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ. Mức trợ cấp trên sẽ được Chính phủ điều chỉnh và quyết định theo từng thời kỳ.
Trường hợp đối với Lao động nữ là người dân tộc thiểu số hoặc lao động nữ là người dân tộc Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo còn được hưởng thêm chính sách hỗ trợ khác theo quy định của Chính phủ.
Thời gian giải quyết hưởng trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện là bao lâu?
- Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ quy định tại Điều 96 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
(Điều 97 Luật Bảo hiểm xã hội 2024)
>>Xem thêm: Phải đóng bảo hiểm xã hội không khi chỉ đi làm nửa tháng?
Trên đây là bài viết tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng dịch vụ Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Các nhóm đối tượng không phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Bảo hiểm xã hội là chính sách hỗ trợ người lao động khi bị mất hoặc thiếu hụt thu nhập trong một số trường hợp [...]
Cách xử lý các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu
Cách xử lý các trường hợp hợp đồng lao động vô hiệu như thế nào? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết dưới đây. [...]