Phân biệt người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp
Phân biệt người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp như thế nào ? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Khái niệm
Pháp luật quy định về người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền như sau:
Người đại diện theo pháp luật
– Người đại diện theo pháp luật (NĐDPL) là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.
– Đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Người đại diện theo ủy quyền
Theo Luật doanh nghiệp 2020, người đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp có hai loại:
– Người đại diện theo ủy quyền của người đại diện pháp luật: Là người có nghĩa vụ và quyền hạn trong phạm vi văn bản ủy quyền mà người đại diện theo pháp luật cho phép.
– Người đại diện theo ủy quyền phần vốn góp của thành viên/cổ đông là tổ chức:
- Là người thông qua văn bản ủy quyền thực hiện các nghĩa vụ, quyền hạn trong phạm vi được ủy quyền.
- Là người nhân danh và vì lợi ích của người được đại diện xác lập, thực hiện các giao dịch nhất định.
- Phải là cá nhân được ủy quyền bằng văn bản.
Phân biệt người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền
Để phân biệt người đại diện theo pháp luật và đại diện theo ủy quyền thì cần dựa vào các tiêu chí sau:
Mục đích
♣ Người đại diện theo pháp luật:
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp.
– Đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
♣ Người đại diện theo ủy quyền:
– Nhân danh doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu, thành viên hoặc cổ đông.
Cơ sở xác lập
♣ Người đại diện theo pháp luật: Theo quy định của pháp luật hoặc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
♣ Người đại diện theo ủy quyền: Theo ủy quyền của người đại diện theo pháp luật, cổ đông, chủ doanh nghiệp…
Số lượng
♣ Người đại diện theo pháp luật:
– Công ty TNHH và CTCP: có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật.
– Công ty hợp danh: có từ 02 người đại diện theo pháp luật.
– Doanh nghiệp tư nhân: có 01 người đại diện theo pháp luật.
♣ Người đại diện theo ủy quyền:
– Nếu doanh nghiệp sở hữu ít nhất 35% vốn điều lệ của công ty TNHH hai thành viên trở lên: tối đa 03 người đại diện theo ủy quyền.
– Nếu doanh nghiệp sở hữu ít nhất 10% tổng số cổ phần phổ thông của CTCP: tối đa 03 người đại diện.
Lưu ý: Trường hợp cử nhiều người đại diện thì phải xác định phần vốn góp, số cổ phần với mỗi người đại diện.
Trách nhiệm
♣ Người đại diện theo pháp luật:
– Thực hiện quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
– Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp.
– Không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh, tài sản khác của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
– Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về doanh nghiệp mà mình, người có liên quan của mình làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp.
♣ Người đại diện theo ủy quyền:
– Nhân danh chủ sở hữu, thành viên, cổ đông thực hiện quyền và nghĩa vụ tại Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.
– Có trách nhiệm tham dự đầy đủ cuộc họp của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.
– Thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, thành viên, cổ đông ủy quyền. .
– Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu, thành viên, cổ đông ủy quyền nếu vi phạm các nghĩa vụ quy định trên.
Tiêu chuẩn, điều kiện
♣ Người đại diện theo pháp luật:
– Tuân theo tiêu chuẩn và điều kiện đối với từng chức danh quản lý theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty.
♣ Người đại diện theo ủy quyền:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.
– Không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp.
– Thành viên, cổ đông là công ty do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ không được cử vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi,… của người quản lý và của người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty làm người đại diện theo ủy quyền tại công ty khác.
– Các tiêu chuẩn và điều kiện khác do Điều lệ công ty quy định.
>>Xem thêm: Dịch vụ thay đổi người đại diện theo pháp luật của công ty
Trên đây là bài viết về Phân biệt người đại diện theo pháp luật, đại diện theo ủy quyền trong doanh nghiệp. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần được giải đáp hoặc có nhu cầu thành lập doanh nghiệp, hãy liên hệ với LawKey để được tư vấn.
Điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Quỹ bảo lãnh tín dụng là gì? Điều kiện thành lập Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định [...]
Thay đổi thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
Thay đổi thành viên hợp danh trong công ty hợp danh như thế nào ? Các trường hợp và thủ tục thay đổi thành viên hợp danh [...]