Quy định đóng BHYT của người lao động năm 2023
Việc đóng BHYT của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo quy định mới nhất 2023? Hãy cùng LawKey tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Người lao động thuộc diện phải tham gia BHYT
Theo Điều 1 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì người lao động thuộc các trường hợp sau đây thuộc diện phải tham gia bảo hiểm y tế:
- Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên.
- Cán bộ, công chức, viên chức.
- Người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn theo quy định của pháp luật.
Mức đóng BHYT của người lao động làm việc theo HĐLĐ
Tại Điểm a Khoản 1 Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP thì hằng tháng, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên đóng 4,5% tiền lương tháng vào quỹ bảo hiểm y tế theo quy định.
Lưu ý:
- Người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì không phải đóng bảo hiểm y tế nhưng vẫn được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế;
- Người lao động trong thời gian bị tạm giam, tạm giữ hoặc tạm đình chỉ công tác để điều tra, xem xét kết luận có vi phạm hay không vi phạm pháp luật thì mức đóng hàng tháng bằng 4,5% của 50% mức tiền lương tháng của người lao động. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền kết luận là không vi phạm pháp luật, người lao động phải truy đóng bảo hiểm y tế trên số tiền lương được truy lĩnh;
- Trường hợp người lao động có thêm một hoặc nhiều hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 3 tháng trở lên thì đóng bảo hiểm y tế theo hợp đồng lao động có mức tiền lương cao nhất.
Quy định tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHYT
Căn cứ Điều 14 Luật Bảo hiểm y tế 2008 và khoản 8 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014 quy định về tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng như sau:
- Đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương tháng theo ngạch bậc, cấp quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có).
- Đối với người lao động hưởng tiền lương, tiền công theo quy định của người sử dụng lao động thì căn cứ để đóng bảo hiểm y tế là tiền lương, tiền công tháng được ghi trong hợp đồng lao động.
- Mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 20 lần mức lương cơ sở (theo quy định tại Nghị định 24/2023/NĐ-CP thì mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng; do đó, mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng bảo hiểm y tế là 36.000.000 đồng/tháng).
Quy định về phương thức đóng BHYT cho người lao động
- Hằng tháng, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.
- Đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp không trả lương theo tháng thì định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần, người sử dụng lao động đóng bảo hiểm y tế cho người lao động và trích tiền đóng bảo hiểm y tế từ tiền lương của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm y tế.
(Khoản 9 Điều 1 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi 2014)
>>Xem thêm: Khi nào công ty được khấu trừ tiền lương của NLĐ?
Trên đây là bài tư vấn của Lawkey về Quy định đóng BHYT của người lao động năm 2023. Nếu còn vấn đề gì thắc mắc, vui lòng liên hệ LawKey hoặc có thể sử dụng Luật sư tư vấn của chúng tôi.
Đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm những ai?
Đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm những đối tượng nào? Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp [...]
Quy định về di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp của NLĐ nước ngoài
Hiện nay, rất nhiều công ty mẹ ở nước ngoài cử chuyên gia, nhân sự sang công ty con ở Việt Nam để làm việc trong một [...]