Thời gian nghỉ sinh con có được tính thời gian nghỉ hằng năm?
Thời gian nghỉ hằng năm là bao lâu? Người lao động khi sinh con nghỉ chế độ thai sản thì thời gian nghỉ cóđược tính thời gian nghỉ hằng năm không?
1. Thời gian nghỉ hằng năm
Theo Điều 111 Bộ luật lao động 2012, Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:
– 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;
– 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;
– 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.
Lưu ý: Khi nghỉ hằng năm, nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm.
– Trường hợp cứ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
2. Thời gian nghỉ sinh con
– Lao động nữ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản trước và sau khi sinh con là 06 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ hai trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.
Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản trước khi sinh tối đa không quá 02 tháng.
– Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như sau:
+ 05 ngày làm việc;
+ 07 ngày làm việc khi vợ sinh con phải phẫu thuật, sinh con dưới 32 tuần tuổi;
+ Trường hợp vợ sinh đôi thì được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh ba trở lên thì cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 03 ngày làm việc;
+ Trường hợp vợ sinh đôi trở lên mà phải phẫu thuật thì được nghỉ 14 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Xem thêm: Tổng hợp mức hưởng chế độ thai sản theo Luật bảo hiểm xã hội 2014
3. Thời gian nghỉ sinh con vẫn được tính thời gian nghỉ hằng năm
Khoản 7 Điều 6 Nghị định 45/2013/NĐ-CP nêu rõ, thời gian được coi là thời gian làm việc của người lao động để tính số ngày nghỉ hằng năm bao gồm: Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.
Như vậy, một trong các khoảng thời gian được coi là thời gian làm việc để tính ngày phép của người lao động là thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản, người lao động vẫn được ghi nhận là làm việc bình thường. Do đó, sẽ không ảnh hưởng đến chế độ phép năm, thời gian nghỉ sinh con vẫn được tính thời gian nghỉ hằng năm.
Trên đây là nội dung bài viết Thời gian nghỉ sinh con có được tính thời gian nghỉ hằng năm, LawKey gửi tới bạn đọc, nếu có thắc mắc liên hệ LawKey để được giải đáp.
Các ngày nghỉ lễ trong năm mà người lao động nên biết
Các ngày nghỉ lễ trong năm theo quy định pháp luật. Nghỉ lễ theo quy định và nghỉ lễ tết, nghỉ không hưởng lương theo [...]
Doanh nghiệp bị xử lý thế nào khi nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho NLĐ không đúng thời hạn?
Nộp hồ sơ hưởng chế độ thai sản cho người lao động không đúng thời hạn, doanh nghiệp bị xử lý như thế nào? Hãy [...]