Thủ tục tách thửa theo quy định
Thủ tục tách thửa hay thủ tục tách Sổ đỏ là thủ tục được nhiều người dân quan tâm. Vậy, pháp luật quy định về thủ tục này như thế nào?
Điều kiện tách thửa
Theo quy định tại khoản 2 Điều 143 và khoản a4 Điều 144 luật Đất đai 2013, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở đô thị và đất ở nông thôn phù hợp với điều kiện và tập quán tại địa phương.
Để được tách thửa thì mảnh đất phải thỏa mãn điều kiện diện tích tối thiểu được tách thửa theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đảm bảo quy định, quy hoạch chung đối với quỹ đất của từng địa phương.
Đối tượng thực hiện
Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trình tự thủ tục tách thửa đất
Theo Điều 75 Nghị định 43/2014/NĐ-CP sửa đổ bổ sung tại Nghị định 01/2017/NĐ-CP Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa đất như sau:
– Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa.
– Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
+) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
+) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
+) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
– Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
+) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất và chuyển Bản trích đo thửa đất mới tách cho người sử dụng đất để thực hiện ký kết hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng một phần thửa đất mới tách;
+) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp; hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
– Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
+) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
+) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất; hoặc gửi UBND cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
>> Xem thêm: thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi có di chúc
Hồ sơ thực hiện thủ tục tách thửa đất
Theo Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT Hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục này bao gồm:
– Đơn đề nghị tách thửa theo Mẫu số 11/ĐK;
– Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp.
Địa điểm nộp hồ sơ
Người sử dụng đất nộp hồ sơ tại Phòng Tài nguyên và Môi trường.
Thời hạn giải quyết
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nhưng không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Thời gian này không tính thời gian các ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của pháp luật; không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã; thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật; thời gian trưng cầu giám định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thời gian thực hiện tăng thêm 10 ngày.
Trên đây là tư vấn của LAWKEY. Ngoài ra khách hàng cũng có thể tìm hiểu thêm về hướng dẫn kiểm tra sổ đỏ.
Bán đất có sổ đỏ chỉ đứng tên chồng hoặc vợ có cần chữ ký của cả hai không?
Bán đất có sổ đỏ chỉ đứng tên chồng hoặc vợ có cần chữ ký của cả hai không? Hãy cùng Lawkey tìm hiểu qua bài viết [...]
Các trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng
Không phải khi nào Thừa phát lại cũng được lập vi bằng. Vậy các trường hợp thừa phát lại không được lập vi bằng [...]